Xác lập vị trí mới cho môi trường
Giải trình trước đại biểu Quốc hội chiều 2-11 trong phiên thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nếu như trước đây môi trường thường là đi sau hoạt động phát triển, phát triển trước, làm sạch sau, thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó.
“Trước đây, chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển, nhưng bây giờ bảo vệ môi trường phải nằm trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược kế hoạch phát triển”, Bộ trưởng nói.
Hiện nay, theo Bộ trưởng, xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp thì cũng khẳng định mối quan hệ giữa kinh tế phúc lợi xã hội với môi trường.
Sau sự cố về môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã làm nhiều công việc để giải quyết vấn đề sự cố cụ thể, đồng thời rà soát toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây. Bộ TNMT vừa kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cho đến những nhà máy xả thải nhiều như như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
“Chúng tôi đã có con số rõ ràng cho thấy trong thời gian tới cần quyết liệt nghiêm túc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, sửa đổi Luật Đầu tư doanh nghiệp trong vấn đề đánh giá tác động môi trường, hoặc quy định về việc giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường từ Mặt Trận Tổ quốc và người dân”, Bộ trưởng nói.
Sẽ lập ngân hàng đất đai
Trước vấn đề lãng phí đất đai, đất đai ở các nông lâm trường quản lý chưa hiệu quả, vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ nghiên cứu phương pháp hiện đại hóa quản lý sử dụng đất đai. Kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt quỹ đất các nông lâm trường. Bộ TNMT cùng Bộ Tài chính sử dụng hơn 600 tỷ đồng thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ, cùng các địa phương xây dựng đề án tăng cường năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn đất đai đối với nông lâm trường.
Đến nay, 39 địa phương đang triển khai, 10 địa phương bước đầu đã hoàn thành công tác đo đạc và đang thực hiện cấp giấy và xác định để sử dụng nguồn lực này theo hai hướng: giao cho những hộ dân thiếu đất sản xuất, hoặc giao cho các tổ chức cá nhân có năng lực, có phương án sử dụng đất hiệu quả thông qua hình thức đấu thầu quyền sử dụng đất.
Đồng thời, hoàn thiện quy định pháp luật về đất đai theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TNMT cùng Bộ NNPTNT đang trao đổi và xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng về quỹ đất do Nhà nước đứng ra quản lý để tạo niềm tin cho người dân. Các hộ chưa có nhu cầu sử dụng hoặc đất hoang hóa thì gửi vào ngân hàng này.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ quản lý tài nguyên nước theo hướng xem nước là hàng hóa, phải có giá tương thích để sử dụng có hiệu quả.
Về vấn đề tài nguyên và khoáng sản, khi tái cơ cấu nền kinh tế, nguồn lợi khoáng sản chiếm 45% GDP, cần giảm xuất khẩu khoáng sản thô. Sử dụng công nghệ khai thác khoáng sản hiệu quả nhất, lựa chọn công nghệ chế biến sâu, chọn thời điểm chế biến khoáng sản hợp lý nhờ vào các tín hiệu của thị trường…
Trước đó, trong buổi sáng, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất nghiêm trọng, nhức nhối và lan rộng, gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho hệ sinh thái và sức khỏe người dân. |
Nguồn Nhandan.com.vn