Ngày 19/1, Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) họp phiên đầu tiên tại Tokyo, Nhật Bản.
Bộ trưởng kinh tế, thương mại và tương đương đến từ 11 nước thành viên đều tham gia phiên họp. Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định quyết tâm của các nước thành viên đang làm hết sức để CPTPP đóng vai trò là ngọn cờ đầu cho tự do thương mại trong bối cảnh các nước bị cuốn vào chủ nghĩa bảo hộ. Ông Abe cho biết cánh cửa đã mở đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ mong muốn gia nhập CPTPP - một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao; đồng thời kỳ vọng CPTPP sẽ có sự tham gia của nhiều quốc gia đang tìm kiếm thương mại tự do và công bằng.
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ Hiệp định CPTPP nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong việc ủng hộ thương mại tự do, đặt ra các tiêu chuẩn cao và cân bằng cho hoạt động giao thương ở thế kỷ 21 cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các Bộ trưởng đã thông qua được 4 Quyết định quan trọng, bao gồm: Quyết định về cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP; Quyết định về quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp đối với các nước thành viên mới; Quyết định về quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà nước; và Quyết định về bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Các nước đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên quá trình triển khai các cam kết trong giai đoạn đầu tiên này rất tích cực, nghiêm túc và đầy đủ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng các nước thành viên CPTPP sẽ thực thi Hiệp định một cách hiệu quả, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên đất nước của mình.
Về những lưu ý đối với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra 3 thách thức chủ yếu là sức ép về thực thi; mức độ cạnh tranh sẽ gia tăng không chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà còn ở lĩnh vực dịch vụ; và cuối cùng là làm sao tận dụng hiệu quả các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là CPTPP. CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước./.
Nguồn VOV