Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho thấy, năm qua, BSR chỉ đạt 57.959 tỷ đồng doanh thu, giảm 43,6% so với năm 2019. Nguyên nhân là giá dầu và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chênh lệch giữa giá đầu vào và đầu ra thấp đã đẩy giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp của BSR lên tới 60.183 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp của Công ty trong năm qua âm 2.224 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm chi phí và quản trị hiệu quả nhiều hạng mục như thu nhập hoạt động tài chính đạt 169 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước, chi phí bán hàng giảm 22,7% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 30,8% so với năm trước, BSR mới có mức lợi nhuận âm 2.852 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của Ban lãnh đạo Công ty. BSR đã bắt đầu có lãi trở lại từ quý 3/2020, chấm dứt trình trạng lỗ lũy kế liên tiếp hai quý. Với kết quả này, tính đến hết năm 2020, BSR không còn lỗ lũy kế.
Có thể nói, BSR là gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của ngành lọc hóa dầu năm 2020 khi nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản lỗ hàng chục tỷ USD. Thậm chí, nhiều công ty phá sản, trong đó có đại gia dầu khí Chesapeake Energy Corporation (Mỹ).
BSR xuất bán sản phẩm hạt nhựa mới T3050
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR chia sẻ, trong một năm nhiều khó khăn như 2020, BSR đã tập trung mọi nguồn lực triển khai các giải pháp quản trị, giải pháp sản xuất - kinh doanh, tối ưu hóa chi phí sản xuất. Nhờ đó, chi phí sản xuất của nhà máy/tấn sản phẩm (không tính chi phí dầu thô) đã giảm 27% so với kế hoạch 2020. Đã có hơn 1.400 ý tưởng sáng kiến được đăng ký, trong đó có trên 350 cải tiến và 40 sáng kiến đã được đánh giá và công nhận đưa vào áp dụng, giúp mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho Công ty.
Tiết giảm và nâng cao hiệu suất sử dụng chi phí, nhóm giải pháp đồng bộ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm gia tăng lợi nhuận đã được Công ty thực hiện hiệu quả trong giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất của năm 2020.
Điểm sáng trong bức tranh tài chính của Công ty năm qua là cơ cấu nguồn vốn, dòng tiền tiếp tục duy trì sự tích cực. Số dư tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng) tại thời điểm 31/12/2020 đạt 13.751 tỷ đồng, tăng 64,6% so với đầu năm và lớn hơn tổng các khoản nợ vay chịu lãi của Công ty đến cuối quý IV/2020. Công tác kiểm soát tài chính, thu hồi công nợ được thực hiện tốt khi các khoản phải thu ngắn hạn chỉ còn 7.814 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cuối năm 2019.
Năm 2020, NMLD Dung Quất tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 4 thành công
BSR đã khép lại năm 2020 khá thành công, với nhiều nỗ lực vượt bậc. Công ty đã thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tục ập đến miền Trung. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, khối lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 5,93 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch năm.
Năm 2021, nhận định tình hình kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, BSR đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để chủ động ứng phó với các biến động khó lường của thị trường. Nội lực và những kinh nghiệm tích lũy được trong thời kỳ khó khăn nhất đã giúp BSR tự tin, bản lĩnh tận dụng được các cơ hội thị trường thuận lợi để bứt phá trở lại.
Trong quý I/2021, giá dầu thô tăng mạnh, có thời điểm giá dầu thô nhích gần 70 USD/thùng và chênh lệch giá đầu vào và đầu ra của xăng có xu hướng tăng mạnh. Nhu cầu thị trường có dấu hiệu cải thiện do dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát. Bối cảnh thuận lợi này cộng với việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định ở 105-108% công suất giúp lợi nhuận của Công ty rất khả quan, ước đạt trên 1,800 tỷ đồng cả quý.
Thế giới và Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh Covid-19, cùng với đà hồi phục mạnh giá dầu thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước, BSR kỳ vọng kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh, bù đắp những tổn thất trong năm 2020.
Hương Giang