Chủ Nhật, 24/11/2024 06:26:30 GMT+7
Lượt xem: 1179

Tin đăng lúc 18-10-2018

Bứt phá trong hoạt động xuất khẩu của Hà Nội

Chín tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan, với mức tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 sẽ tăng 24,5%, cao gấp ba lần kế hoạch đề ra.
Bứt phá trong hoạt động xuất khẩu của Hà Nội
Lô hàng nhãn chín muộn của nông dân xã Đại Thành, huyện Quốc Oai xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đầu tháng 9, lần đầu sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội đã được xuất khẩu vào hai thị trường khó tính. Trong đó, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam đã đưa 18 tấn nhãn của Đại Thành (huyện Quốc Oai) vào thị trường Mỹ, Công ty CP Global xuất khẩu một tấn nhãn của xã Song Phương (huyện Hoài Đức) sang thị trường Ba Lan. Để có thể xâm nhập vào các thị trường này, đại diện Công ty Green Path cho biết, sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội đã phải tuân thủ và đáp ứng được nhiều điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Dù số lượng xuất khẩu chưa lớn, nhưng bước đầu đã mở ra triển vọng cho nhiều sản phẩm nông sản khác của Hà Nội tiếp cận thị trường quốc tế.

 

Chín tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đã đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cả 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội đều tăng, trong đó bảy nhóm mặt hàng tăng cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đơn cử như nhóm hàng nông sản tăng 50%; hàng thủ công mỹ nghệ tăng 13,6%; hàng dệt may tăng 18,4%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 9,4%... Tháng 9 cũng là tháng thứ ba liên tiếp, mức tăng trưởng xuất khẩu của Hà Nội cao hơn mức tăng xuất khẩu của cả nước (tăng 21,6% so với mức tăng 15,4%).

 

Điểm nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu năm nay của Hà Nội chính là tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có sự tăng trưởng mạnh. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đánh giá: Dù cả ba khối: doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tỷ trọng hàng xuất khẩu của khối FDI đã không còn chiếm ưu thế như trước đây, giảm xuống còn 47,9%. Tỷ trọng của khối DN ngoài nhà nước tăng lên 38,8%. Con số này đã cho thấy công tác cổ phần hóa, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng thời là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội như Mỹ, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản... đã phát triển theo hướng tích cực, ổn định với sức mua tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ được điều chỉnh tăng tương đối nhanh đã có tác động kích thích hoạt động xuất nhập khẩu.

 

Đầu năm 2018, Hà Nội đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt khoảng 12,7 tỷ USD, tăng trưởng từ 7,5 đến 8% so với năm 2017. Thành phố đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm...; tạo cơ hội cho DN trong nước được gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn hàng nước ngoài. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về xuất khẩu cho các DN, giúp các DN nắm bắt, định hướng mặt hàng, sản phẩm tốt hơn, phù hợp với từng thị trường hơn. Những giải pháp này đã góp phần đưa hoạt động xuất khẩu của Thủ đô bứt phá ngoạn mục. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 sẽ tăng 24,5%, cao gấp ba lần kế hoạch đề ra.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp chung, đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp cho từng chuyên ngành, nhóm hàng xuất khẩu riêng. Với ngành hàng linh kiện điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi, thành phố sẽ xây dựng thí điểm một số cụm công nghiệp điện tử nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, trong đó hạt nhân sẽ là các công ty đa quốc gia. Trong ngành hàng dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ…, các DN tập trung nguồn nhân lực trong các khâu thiết kế, phát triển sản phẩm, quản trị chuỗi cung ứng, quản lý đơn hàng… để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống, thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng khác như Mi-an-ma, Nga… Riêng nhóm hàng nông sản, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ, đầu tư cho các nghiên cứu về giống và kỹ thuật canh tác, nhằm tăng năng suất cho hàng nông sản mà vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường đầu tư vào các nhà máy chế biến để tăng giá trị gia tăng cho mặt hàng này. Các doanh nghiệp được khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến và phân phối nhằm tạo các nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao.

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh các nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh, Hà Nội cũng cần định hướng và triển khai các giải pháp đối với những mặt hàng chưa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng có tiềm năng trở thành mặt hàng chủ lực trong tương lai. Đó là nhóm sản phẩm phần mềm - công nghệ thông tin và nhóm vật liệu xây dựng. Đáng chú ý là nhóm vật liệu xây dựng, cần bắt đầu với các thị trường Trung Đông và châu Phi, nơi có nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng nhưng chủ yếu phải nhập khẩu. Với những định hướng, giải pháp này, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô hứa hẹn sẽ còn đạt nhiều kết quả khả quan hơn nữa.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang