Thứ Hai, 25/11/2024 11:36:21 GMT+7
Lượt xem: 1239

Tin đăng lúc 12-01-2022

Cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp

Tính đến 31-12-2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng lưu ý, số lượng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có xu hướng giảm.
Cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp
Quang cảnh hội nghị.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết và công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức chiều 11-1.

 

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng điều tra kinh tế 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 4 loại đơn vị điều tra, bao gồm: Doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

 

Tính đến 31-12-2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. Có 15,3 nghìn hợp tác xã; hơn 5,19 triệu hộ kinh doanh cá thể; 59 nghìn đơn vị sự nghiệp, hiệp hội và tổ chức phi chính phủ; 46,8 nghìn cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, số doanh nghiệp tăng 7,9%.

 

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 169,6 nghìn người. Bên cạnh đó, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, với số lao động là 8,5 triệu người.

 

Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 giảm ở khối doanh nghiệp. Lao động bình quân trong các đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,5 người năm 2016 xuống 4,3 người năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp giảm từ 27,2 người xuống 21,5 người; hợp tác xã giảm từ 15,1 người xuống 11,1 người; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể giảm nhẹ, từ 1,7 người xuống 1,6 người. Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016. Trong đó, đơn vị sự nghiệp năm 2020 tăng 11 người so với năm 2016; tổ chức phi chính phủ tăng 5,9 người; đơn vị hiệp hội tăng 0,2 người.

 

Xét theo khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị và lao động. Cụ thể, khu vực dịch vụ có gần 4,9 triệu đơn vị, chiếm 81,8% (năm 2016 là 80,8%); khu vực công nghiệp - xây dựng là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 18,0% (năm 2016 là 19,0%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 14,8 nghìn đơn vị, chiếm 0,2% (tương đương với năm 2016).

 

Vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng đơn vị điều tra lớn nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị, chiếm 25,9% tổng số đơn vị điều tra của cả nước. Đứng thứ hai là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 1,3 triệu đơn vị, chiếm 21,9%.

 

Vùng Đông Nam Bộ có gần 280,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% tổng số doanh nghiệp; Đồng bằng sông Hồng có 216,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 31,7%. Thấp nhất là Tây Nguyên với 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%.

 

Trong giai đoạn 2016-2019, số doanh nghiệp và số lao động tăng nhanh qua từng năm nhưng có xu hướng tăng chậm lại trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Xét theo loại hình doanh nghiệp thì khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so với năm 2019 và tăng 35% so với năm 2016. Tương ứng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2%, tăng 18,4% và tăng 58,6%; doanh nghiệp Nhà nước có gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3%, giảm 5,5% và giảm 25,1%.

 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 465,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% tổng số doanh nghiệp, tiếp đến là doanh nghiệp khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,9%, trong khi doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,9%.

 

Theo Hanoimoi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang