Phiên họp sẽ có sự tham dự của 16 Bộ trưởng, trưởng đoàn đại diện 16 nước đang tham gia đàm phán RCEP. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị này. Các quan chức cho rằng đây có lẽ sẽ là cuộc họp cấp bộ trưởng cuối cùng vì chỉ có một vài vấn đề như quy tắc xuất xứ đang chờ xử lý.
Trong số các vấn đề còn tồn tại, Ấn Độ dự kiến sẽ giảm hoặc loại bỏ thuế đối với khoảng 74-80% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo thỏa thuận đề xuất. Các cuộc đàm phán song phương vẫn đang diễn ra với nước láng giềng, trong đó Ấn Độ thâm hụt thương mại hơn 50 tỷ USD. Tương tự, Ấn Độ có thể cắt giảm thuế hải quan đối với 86% hàng nhập khẩu từ Australia và New Zealand, và 90% cho các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà Ấn Độ đã có hiệp định thương mại tự do toàn diện. Việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan có thể được thực hiện trong khoảng thời gian 5, 10, 15, 20 và 25 năm.
Các cuộc đàm phán cũng được thực hiện đối với cơ chế kích hoạt thuế tự động, trong đó phía Ấn Độ đề xuất được phép tăng thuế hải quan nếu có sự gia tăng đột ngột trong nhập khẩu một sản phẩm cụ thể đặc biệt từ Trung Quốc để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Ấn Độ muốn sử dụng cơ chế này cho khoảng 60-65 sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn áp dụng cho khoảng 20 mặt hàng. Các cuộc đàm phán RCEP đã đạt được tiến bộ ở giai đoạn cơ bản khi các nước thành viên đang nhắm mục tiêu kết thúc cuộc đàm phán vào tháng 11.
Cho tới nay đã trải qua 28 vòng đàm phán chính thức được tổ chức và hiện không có thêm vòng nào được lên kế hoạch, RCEP bao hàm nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó có các vấn đề liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật, cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ…
Theo Báo Công Thương