Còn nhiều khó khăn
Từ khi có Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Chính phủ về 8 nhóm sản phẩm trọng điểm, ngành Cơ khí đã có những bước phát triển nhất định. Theo Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20%. Nhiều sản phẩm cơ khí của Việt Nam (VN) như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng cơ khí… đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, những sản phẩm cơ khí công nghệ cao như thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m… cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá thì các sản phẩm cơ khí của VN có giá trị gia tăng còn thấp, chưa tạo được nhiều đầu ra cho sản phẩm và nhiều DN cơ khí còn bộc lộ yếu kém. Hàng năm, VN vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị và như vậy, ngành Cơ khí không đạt được mục tiêu là sản phẩm cơ khí Việt Nam đáp ứng 45-50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30% mà Chính phủ đề ra trong Quyết định 186, nguyên nhân phần lớn là do việc đầu tư dàn trải, phần chính yếu, quan trọng chưa được tập trung đầu tư, dẫn đến phát triển lệch. Thêm vào đó là sự hạn chế của công nghệ sản xuất, tính liên kết giữa các DN kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trong khi đó, các dự án thuộc cơ khí trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg, thì chỉ có 03 dự án được thực hiện nhưng không trọn vẹn...
Từng bước chuyển mình
Những năm gần đây, trước áp lực cạnh tranh, một số DN trong nước đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại và đào tạo đội ngũ nhân sự với những kế hoạch quy mô và chiến lược dài hơi hơn. Điển hình như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu tiêu xuất khẩu. Công ty Cơ khí Hà Nội cũng đầu tư trang thiết bị dây chuyền đúc, cung cấp sản phẩm cho Trường Hải Auto; Công ty CP ô tô Trường Hải có kế hoạch xây dựng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải và sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018. Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn laser và công nghệ sơn tân tiến nhất, cùng với đó là kế hoạch kết nối các DN sản xuất linh kiện trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển Chu Lai thành Trung tâm cơ khí đa dạng miền Trung…
Dây chuyền sản xuất linh kiện ô tô của Thaco Trường Hải
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI cho hay, hiện các DN thành viên trong Hiệp hội cũng đã phối hợp với nhau trong việc cung ứng và hợp tác thực hiện các dự án có khối lượng lớn, nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh đã được triển khai.
Phải làm gì để lấy lại vị thế “sân nhà”?
Tại hội thảo “Công nghiệp Cơ khí Việt Nam: Đổi mới và phát triển” diễn ra vào tháng 10/2017, VAMI đã đưa ra một loạt đề xuất và kiến nghị, nhằm vực dậy ngành Cơ khí VN. Theo đó, Hiệp hội này cho rằng, cần lựa chọn những sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường, vừa có cơ sở vật chất để phát triển trong giai đoạn 2011-2020; Cần tạo điều kiện cho DN cơ khí tham gia các công trình sử dụng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để tạo thị trường tiêu thụ; Lựa chọn những dự án trọng điểm và tập trung vốn cho vay ưu đãi đặc biệt; Nhà nước bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn nước ngoài, hoặc vay vốn lưu động cho chế tạo thiết bị cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài... Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lặp gây lãng phí, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất.…
Bên cạnh đó, các DN cơ khí cũng đề xuất Nhà nước cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành Cơ khí trong giai đoạn sắp tới theo một số định hướng sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ như: Máy móc, thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng; các máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ khai thác và chế biến sản phẩm nông nghiệp, robot nông nghiệp.
Trên thực tế, muốn phát triển ngành Cơ khí thì cần phải có mạng lưới DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hùng hậu. Cụ thể, các DN này phải có hồ sơ năng lực tốt, giá thành và chất lượng sản phẩm sản xuất ra phải tương đương với sản phẩm nhập khẩu, có khả năng cung cấp với quy mô lớn, mà muốn xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp CNHT lớn mạnh đòi hỏi cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư hơn vào lĩnh vực này.
Thời gian qua, để hỗ trợ các DN, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức nhiều lớp tập huấn về CNHT tại Hàn Quốc. Những lớp tập huấn này được các DN đánh giá là một trong những hình thức hỗ trợ rất thiết thực đối với các doanh nghiệp CNHT trong đó có ngành Cơ khí. Nó không chỉ giúp các DN học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, mà còn giúp kết nối được với các Viện nghiên cứu, DN cũng như các giáo sư chuyên ngành của Hàn Quốc. Ông Nguyễn Mạnh Quang – Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang cho rằng, các lớp tập huấn tại Hàn Quốc mà Bộ Công Thương tổ chức thực sự rất hiệu quả, tuy nhiên, không phải DN cơ khí nào cũng có cơ hội tham gia các chương trình tập huấn này mà thường phải tự học hỏi, mày mò. Vì vậy, nếu Nhà nước hỗ trợ hoặc thành lập một quỹ để dịch các sách về kỹ thuật cơ khí của nước ngoài sang tiếng VN thì cũng là hình thức hỗ trợ rất thiết thực đối với các DN cơ khí.
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
Có thể thấy rằng, các DN trong nước đang chuyển mình để bắt kịp với xu hướng hội nhập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, muốn phát triển được ngành Cơ khí thì không chỉ mình DN phải nỗ lực mà rất cần đến bàn tay của Nhà nước trong việc tạo thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, cũng như các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhằm khuyến khích ngành cơ khí VN phát triển./.
Quỳnh Anh