Theo ông Tấn, các nguồn phóng xạ được lắp đặt thiết bị giám sát có có hoạt độ lớn, có thể gây chết người. Đây cũng là yêu cầu mà Bộ KH&CN đã đưa trong Thông tư 23/2015/TT-BKHCN. Lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng cho biết hiện có 3 cơ sở trong nước có thể chế tạo thiết bị giám sát nguồn phóng xạ. Việc lắp đặt sẽ được thử nghiệm từ tháng 1/2016. Cũng theo thông tin được đưa ra, hiện nay chỉ tính riêng Hà Nội đã có 35 nguồn phóng xạ cần phải lưu giữ nhưng kho chuyên dụng phục vụ cho việc lưu trữ nguồn phóng xạ tập trung đang gặp khó khăn. Được biết, thủ tướng đã đồng ý về việc nâng cấp các kho lưu giữ nguồn phóng xạ qua sử dụng tại Bộ Tư lệnh hóa học, phục vụ lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng của cả nước.
Trong khuôn khổ buổi họp, một sự kiện được đề cập đang nhận được sự quan tâm của dư luận là sự cố mất nguồn phóng xạ tại Bắc Kạn mới đây. Theo phân loại của Quy chuẩn Việt Nam 6:2010/BKHCN về phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ, nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất thuộc nhóm số V (nhóm V là nguồn phóng xạ có tỷ số hoạt độ tổng cộng trên hoạt độ riêng nhỏ hơn 0,01. Đối với nguồn phóng xạ này, tỷ số trên là 0,0016).
Như thế, theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA TECDOC 1344), nguồn loại này không nguy hiểm cho con người, cũng như không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ này khi tiếp xúc gần. Ngay khi nhận được Báo cáo số 343/SKHCN-KHCN của Sở KH&CN Bắc Kạn về sự cố mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn DATC (Suối Viền, phường Xuất Hóa, Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn). Theo chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN đã cử Đoàn công tác do Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đến làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Kạn để hỗ trợ công tác tìm kiếm và xử lý các vấn đề liên quan. Đồng thời Bộ KH&CN cũng đã có Công điện số 158/CĐ-BKHCN gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn để chỉ đạo công tác ứng phó sự cố mất nguồn phóng xạ tại địa phương.
Ngày 21/12/2015, Bộ KH&CN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố mất nguồn phóng xạ nêu trên và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để khắc phục các hạn chế về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong cả nước, cũng như chỉ đạo Cục ATBXHN tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Trước mắt, sẽ ưu tiên cho công tác tìm kiếm, thu hồi và sau đó là xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Chủ trì buổi họp báo, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nguồn phóng xạ sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế ngày càng lớn. Phóng xạ được sử dụng ở rất nhiều dây chuyền sản xuất, từ sản xuất sữa, kẹo, đường, xi măng… nên chắc chắn công tác quản lý ngày càng khó khăn hơn. Do đó, cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy để quản lý ngày càng tốt hơn, bởi nếu mất các nguồn phóng xạ lớn có thể gây mất an ninh.
Theo Hoàng Linh/Báo Hà nội mới