Nếu bạn giống như hầu hết những độc giả trong thời đại công nghệ số thì có lẽ bạn đang đọc những dòng chữ này bằng một chiếc điện thoại thông minh. Cũng có thể là bạn phải nhìn chữ qua những vết nứt, bể trên màn hình điện thoại của mình? Nhưng may mắn thay, tình trạng này sẽ không còn kéo dài lâu nữa nhờ một nghiên cứu mới đột phá.
Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một loại kính tự phục hồi mới, có khả năng hàn gắn các vết nứt lại với nhau bằng áp lực. Loại polymer kì diệu có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu này được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Tokyo. Họ phát hiện ra chúng một cách rất tình cờ khi đang nghiên cứu các chất kết dính mới.
Trong quá trình nghiên cứu, Yu Yanagisawa - một sinh viên cao học thuộc khoa hóa học và công nghệ sinh học của trường đại học, đã tình cờ phát hiện loại polymer đang thí nghiệm có thể được sử dụng như một loại keo. Chúng có khả năng tự phục hồi lại sau khi bị cắt chỉ trong vòng 30 giây ở nhiệt độ phòng. Không tin vào kết quả bất ngờ này, Yu đã thực hiện một loạt thí nghiệm tiếp theo để xác nhận khả năng của loại kính tự chữa lành "vết thương" này.
Theo nhóm nghiên cứu, sở dĩ loại kính này có thể thực hiện được việc tự phục hồi là nhờ vào một polymer có trọng lượng nhẹ gọi là “polyether-thiourea”. Nó được sử dụng như một hợp chất để tăng khả năng liên kết hydro trong vật liệu khi chúng bị cắt hay vỡ vụn.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tạo ra vật liệu tự phục hồi giống như thế này. Nhưng điều khác biệt là loại polymer mới có cấu trúc vững chắc như thủy tinh và khả năng tự phục hồi của chúng - những đặc tính thường không có trong các hợp chất kỹ thuật.
Một điểm nữa khiến loại kính mới trở nên độc đáo chính là kính vỡ có thể dính lại với nhau ở nhiệt độ phòng, trong khi các vật liệu tự phục hồi khác phải được nung nóng lên thì mới có thể liên kết lại được với nhau. Thêm vào đó, quá trình phục hồi của vật liệu cũng nhanh hơn tất cả những vật liệu tương tự được phát triển trước đây.
Đầu năm nay, một nhà nghiên cứu ở California cũng đã giới thiệu một hợp chất thay thế cho những tấm kính màn hình điện thoại mỏng manh. Nhưng loại vật liệu này phải mất cả một ngày để trở về trạng thái lành lặn ban đầu sau khi vỡ.
Ngoài màn hình điện thoại, y học cũng là một lĩnh vực tiềm năng để các nhà khoa học áp dụng kính tự phục hồi. Vì những chất như vậy có đặc tính dễ thích nghi và mềm mại nên một ngày nào đó chúng có thể được sử dụng để tăng độ bền chắc cho xương và tạo ra các mô.
Trước khi điều đó xảy ra, chắc chắn mọi người cũng đã hài lòng với chức năng ưu việt hiện tại của phát minh mới từ các nhà nghiên cứu Nhật Bản: khả năng màn hình điện thoại tự gắn lại với nhau, chúng ta không cần phải đem điện thoại đi sửa hay thay mới nữa. Vật liệu còn góp phần bảo vệ môi trường vì nó làm giảm thiểu lượng rác thải điện tử.
"Tôi hy vọng kính tự phục hồi sẽ trở thành một vật liệu thân thiện với môi trường, vì chúng ta không cần vứt chúng khi chúng bị bể”, nhà nghiên cứu Yanagisawa cho biết thêm.
Nguồn Khám phá