Đây là yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các đơn vị liên quan trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ này càng được coi trọng đối với các địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, về lĩnh vực xăng dầu, ông Trần Duy Đông - Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đã làm việc với các Sở Công Thương, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phải đảm bảo đủ nguồn cung và phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng của các tỉnh, thành phố.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cửa hàng xăng, dầu phải hoạt động liên tục trong mọi trường hợp, tuân thủ đúng như Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu. Kể cả khi phát sinh dịch bệnh phức tạp, phải tuân thủ chế độ báo cáo lãnh đạo Sở Công Thương, trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan quản lý các cấp (bộ, sở) vẫn phải duy trì hoạt động liên tục để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế và tiêu dùng của người dân.
Cũng theo ông Trần Duy Đông, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Bộ cũng thương xuyên theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài Chính trong công tác điều hành giá; Đồng thời yêu cầu các tập đoàn kinh tế nhà nước, các đầu mối kinh doanh xăng, dầu luôn đảm bảo nguồn cung ứng, cho thị trường trong bất cứ tình huống nào.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đầu mối trong đó có Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, những đầu mối lớn là trong bối cảnh như thế thì cũng vẫn phải đảm bảo: Một là đảm bảo đủ nguồn cung, đảm bảo đủ dự trữ để phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Thứ hai, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh như vậy thì kiên quyết không để xảy ra những vi phạm trong kinh doanh xăng dầu như yêu cầu của Nghị định 83. Đặc biệt, Liên Bộ Công thương - Tài chính cũng thường xuyên có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo hai bộ cũng có xem xét để điều hành giá phù hợp trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh phức tạp” - ông Trần Duy Đông nói.
Trong lĩnh vực điện năng, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, EVN đã và đang thực hiện Nghị quyết 55 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 3 cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, đã giảm được hơn 214 tỷ đồng trên toàn quốc.
Về việc đảm bảo cung cấp điện, EVN cho biết, đã có các phương án đảm bảo nguồn nhân lực ứng trực 24/24, với điều kiện làm việc an toàn, bố trí phương án “3 tại chỗ” (ăn, ở, làm việc) cho người lao động làm công tác vận hành, sửa chữa tại các địa bàn có nguy cơ cao, các khu vực cách ly… để các vị trí trọng điểm này được đảm bảo điện liên tục, không bị gián đoạn trong bất cứ tình huống nào.
EVN đã có các phương án đảm bảo nguồn nhân lực ứng trực 24/24.
Trong trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện dã chiến được tăng cường khi lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, riêng TP.HCM đã có trên 300 cơ sở cách ly y tế, khám chữa bệnh được đưa vào danh sách theo dõi. Các cơ sở cách ly mới này sẽ được đảm bảo việc cấp điện an toàn, liên tục bằng 2 nguồn (có dự phòng máy phát diezel) cũng như thực hiện việc giảm giá điện theo đúng Nghị quyết 55 của Chính phủ.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng cho việc cung cấp điện đúng tiến độ ở các vị trí bệnh viện dã chiến, chúng tôi cũng đảm bảo rằng việc cấp điện cho các khu vực này bằng hai nguồn khác nhau, trong trường hợp cần thiết thì phải có nguồn diesel dự phòng. Ngoài ra, chúng tôi đã lên kế hoạch để sẵn sàng các vật tư thiết bị và nhân lực cần thiết để khi có yêu cầu các cơ quan quản lý tại địa phương thì chúng tôi sẽ có giải pháp đồng bộ, kịp thời để thiết lập ngay việc cấp điện cho các cơ sở, bệnh viện dã chiến mới” - ông Võ Quang Lâm nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 17, thực hiện giãn cách trên phạm vi toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7/2021. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có văn bản Hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị thành viên có trụ sở tại thành phố Hà Nội yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, liên tục hệ thống điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô, đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả.
Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị bố trí cho cán bộ vận hành, sửa chữa, dịch vụ khách hàng làm việc theo kíp và nghỉ tập trung sau ca làm việc. CBCNV của kíp trực mới phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS CoV-2 trước mỗi đợt trực tập trung; việc xét nghiệm virus SARS CoV-2 đang trong thời gian trực tập trung thực hiện theo yêu cầu của địa phương.
EVN cũng khuyến cáo người dân tăng cường các ứng dụng qua điện thoại, thanh toán tiền điện online, giao dịch trực tuyến qua trang web của EVN, Cổng dịch vụ công quốc gia, các Trung tâm chăm sóc khách hàng khi có các yêu cầu giao dịch với ngành điện trong bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp./.
Theo Vov.vn