Thứ Sáu, 22/11/2024 17:48:08 GMT+7
Lượt xem: 2712

Tin đăng lúc 22-01-2017

Cách EU “ứng xử” với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quan điểm về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của châu Âu là cần tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch để sự sáng tạo của doanh nghiệp phát triển tự nhiên, phù hợp với môi trường kinh doanh.
Cách EU “ứng xử” với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhiều quốc gia trong EU đã khởi động chương trình tạo cơ hội cho các DNNVV

Tầm nhìn chung về chính sách

 

Liên minh châu Âu (EU) - khi còn là Cộng đồng châu Âu (EC) - đã thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV từ những năm 1970. Qua nhiều giai đoạn, chính sách của EU đối với đối tượng doanh nghiệp này cũng có những thay đổi và điều chỉnh mạnh mẽ.

 

Tháng 3/2000, để giải quyết các vấn đề kinh tế, lãnh đạo 15 nước thành viên EU đã đưa ra một chiến lược mới của liên minh “Chiến lược Lisbon về tăng trưởng và việc làm”, thường được gọi là “Chiến lược Lisbon”. Trong nhóm mục tiêu đề cập tới cải cách kinh tế, Chiến lược Lisbon đã đưa ra nội dung cụ thể có liên quan đến việc hỗ trợ các DNNVV, đó là tạo môi trường thân thiện cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp sáng tạo, đặc biệt là những DNNVV. Tháng 6/2000, Hội đồng châu Âu (European Council) đã thông qua bản Hiến chương về doanh nghiệp nhỏ châu Âu - một trong những biện pháp cụ thể thực hiện mục tiêu liên quan đến hỗ trợ nhóm DNNVV.

 

Tới tháng 10/2005, EU ban hành Chính sách hiện đại đối với DNNVV - chính sách này mong muốn tạo ra một khuôn khổ gắn kết chặt chẽ hơn, thực tế hơn và liên kết theo chiều ngang nhiều hơn. Chính sách năm 2005 có mục tiêu phát huy tiềm năng còn rất lớn chưa được khai thác của các DNNVV để tạo ra tăng trưởng và việc làm trong EU.

 

Năm 2008, ngay trước khi khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, EU đã đi đến thống nhất xây dựng và ban hành Đạo luật về doanh nghiệp nhỏ (Small Business Act - SBA) nhằm khơi dậy tất cả tiềm năng của DNNVV trong khu vực. Đây được đánh giá là văn bản lần đầu tiên thiết lập một khuôn khổ chính sách toàn diện, trong đó hợp nhất tất cả các công cụ chính sách hiện có đối với doanh nghiệp.

 

Điểm chung trong các điều chỉnh chính sách của EU đều hướng tới tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh dành cho các DNNVV và tăng cường phát triển những hành động hiện có phù hợp với Chiến lược Europe 2020 trên các lĩnh vực chủ yếu như: Giảm gánh nặng thủ tục hành chính; hỗ trợ về tài chính; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường; khuyến khích hoạt động kinh doanh, tạo việc làm và tăng trưởng toàn diện.

 

Hỗ trợ hiệu quả về tài chính

 

Bên cạnh việc đề ra chính sách, EU đã có những hỗ trợ tài chính hết sức kịp thời cho sự phát triển của các DNNVV.

 

Đơn cử như Chương trình khung tăng cường cạnh tranh và đổi mới sáng tạo (CIP) trong giai đoạn 2007 - 2013. Theo các số liệu thống kê khi kết thúc chương trình, với kinh phí hơn 3,6 tỷ Euro tài trợ cho các công cụ tài chính để tạo điều kiện tiếp cận với những khoản vay, CIP đã giúp huy động vay tổng cộng hơn 16 tỷ Euro và 2,3 tỷ Euro vốn đầu tư liên doanh cho hơn 311.000 DNNVV.

 

Từ thành công của CIP, tháng 8/2014, EU thông báo chương trình mới có kinh phí hơn 1,3 tỷ Euro tài trợ cho các công cụ tài chính giúp các DNNVV trong khối có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính bổ sung trị giá 25 tỷ Euro. Đó là Chương trình tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DNNVV (COSME). Chương trình này cho phép các thể chế tài chính trong châu Âu dành thêm nguồn tài chính cho các DNNVV. Mục tiêu COSME hướng tới là đến năm 2020, khoảng 330.000 DNNVV của châu Âu sẽ nhận được các khoản vay hỗ trợ qua sự bảo lãnh của chương trình với tổng giá trị vay ước đạt 21 tỷ Euro. Các công cụ tài chính được quản lý bởi Quỹ Đầu tư châu Âu (EIF) phối hợp với các trung gian tài chính ở các nước EU.

 

Cũng không thể không nhắc tới chương trình Horizon 2020 của EU có tổng ngân sách 80 tỷ Euro cũng dành sự hỗ trợ đáng kể cả trực tiếp về tài chính và gián tiếp cho các DNNVV trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.

 

DNNVV châu Âu - Hình mẫu thành công

 

Nhờ có những chính sách và sự hỗ trợ được tính toán hết sức khoa học, các DNNVV thực sự trở thành xương sống của nền kinh tế châu Âu, chiếm khoảng 99% tổng số doanh nghiệp trong khối. Thông tin trên website của Ủy ban châu Âu cho thấy, 5 năm qua, các DNNVV châu Âu đã tạo ra khoảng 85% việc làm mới và cung cấp tới 2/3 tổng số việc làm khu vực tư nhân.

 

Chính những tập đoàn lớn của châu Âu cũng phải thừa nhận, thành công của EU phần lớn là nhờ vào các DNNVV. DNNVV được coi là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đổi mới, tạo việc làm và hội nhập xã hội trong EU.

 

Đặc biệt, DNNVV châu Âu nổi tiếng về sức cạnh tranh toàn cầu và sức sáng tạo cao. Đơn cử, các DNNVV của Đức, thường được gọi chung là Mittelstand, có thể cạnh tranh với bất cứ công ty nào trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đã quan tâm và tìm cách học hỏi mô hình thành công của DNNVV nước Đức.

 

Nghiên cứu của Hiệp hội Các ngân hàng Đức (GSBA) cho thấy, những DNNVV của nước này có mức lợi nhuận bình quân là 7,3% năm 2015, cao hơn mức 6,3% của các công ty lớn trên thị trường. Số liệu của GSBA cũng cho thấy 300.000 công ty được theo dõi đã tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi trong 13 năm qua, ấn tượng hơn rất nhiều so với những thương hiệu nổi tiếng khác tại Đức.

 

Các Mittelstand tại Đức thường có độ chuyên nghiệp cao và đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế. Quốc gia này đứng thứ 4 trên thế giới về độ lớn của nền kinh tế, nhưng lại chỉ có 28 tập đoàn lớn được xếp hạng trong Fortunes 500, thấp hơn rất nhiều so với Anh và Pháp. Tuy nhiên, nếu xem xét những DNNVV dẫn đầu trong các thị trường thì Đức lại có đến 1.307 doanh nghiệp, cao gấp 9 lần tổng số Anh và Pháp cộng lại.

 

Sự chuyên nghiệp trong văn hóa làm việc, mô hình quản lý hiện đại, cấu trúc đơn giản, sáng tạo và có tính liên kết cao giữa các nhân viên và nhà quản lý được coi là bí quyết khiến các DNNVV nước Đức có được thành công thầm lặng vượt trội so với các thương hiệu nổi tiếng.

 

 

Phải nhìn nhận rằng, thành công đã và đang có được của các DNNVV nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung là nhờ được tạo điều kiện phát triển sức sáng tạo trong một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang