Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam là nước đi sau nên có lợi thế hơn với CMCN 4.0. Chẳng hạn, chúng ta có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại. Cơ hội phát triển của nhiều ngành kinh tế lớn hơn và có thể phát triển những ngành mới thuộc các lĩnh vực như: Công nghiệp không gian; công nghiệp sáng tạo; công nghiệp giải trí; công nghiệp sinh học; công nghiệp quốc phòng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... thông qua mở rộng ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển, công nghệ sinh học. Việt Nam cũng có cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những quốc gia đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, với lợi thế hiện có hạ tầng Internet tương đối tốt, giá rẻ, trong khi thiết bị di động cấu hình cao, giá thấp đang trở nên phổ biến cũng như sự khuyến khích tạo động lực của Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn. CMCN 4.0 này là giúp Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trong kỷ nguyên số…
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ thì những thách thức cũng không ít. Trong cuộc CMCN 4.0, những yếu tố mà Việt Nam được coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ có thể không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên với ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt may gia công, lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo.... Tổ chức Lao động quốc tế cũng đã chỉ ra rằng, 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và da giày ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao từ sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng công nghệ. Không chỉ việc làm ở trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng, mà các công việc có kỹ năng cao như tài xế taxi, xe tải, những việc đòi hỏi ít chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hay những công việc trong các nhà hàng… cũng có nguy cơ bị thay thế bởi robot thông minh. Có thể nói, với cuộc cách mạng 4.0, mọi ngành nghề đều có khả năng bị thay thế. Tuy nhiên, những việc liên quan đến cảm xúc, trực giác của con người như: nghệ sĩ, bác sĩ, nhà báo... sẽ khó bị thay thế hơn.
Trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều lĩnh vực sẽ do robot điều khiển(ảnh internet)
Bên cạnh đó, vấn đề quản trị nhà nước cũng là một trong những thách thức lớn nữa đối với Việt Nam. Sự nghiệp CNH - HĐH đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được Nhà nước đề ra thực hiện không thành công. Bên cạnh đó, những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.
Cùng với sự gia tăng về kết nối giữa người với người, người với vật, đặc biệt là giữa vật với vật, thì rủi ro và nguy cơ cũng ngày càng cao. Thực tế cho thấy, các cuộc tấn công mạng đang gia tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng và ngày càng phức tạp. Nó không chỉ nhắm vào máy tính, mạng và điện thoại thông minh, mà còn cả con người, xe ô tô, máy bay, lưới điện... Năm 2016, Việt Nam chứng kiến hơn 134.000 sự cố an ninh mạng, tăng gấp 4 lần so với năm 2015. Đặc biệt, mới đây, mã độc có tên là WannaCry khai thác một số lỗ hổng trên hệ điều hành Windows để tấn công đồng loạt vào các máy tính với mục tiêu mã hóa dữ liệu, để đòi tiền chuộc, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn cầu. Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT vừa phải đưa ra cảnh báo và khuyến nghị, hướng dẫn xử lý gấp tới người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tại Việt Nam. Do vậy, vấn đề phòng chống tấn công mạng, chống khủng bố mạng cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh và tác động mạnh mẽ đến Việt Nam kể cả tác động thuận lợi lẫn khó khăn. Nếu tận dụng tốt các cơ hội, chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, thực hiện được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, chúng ta sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng này, chúng ta cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của cuộc cách mạng, từ đó tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các Bộ, ngành cần tăng cường nhận thức về cuộc CMCN 4.0, bởi chỉ khi có nhận thức đúng đắn thì mới có cách ứng xử và định hướng, tư duy phát triển phù hợp. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Cần phải thông tin cho mọi người biết rằng, cuộc CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các Viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả kinh tế, chính trị, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh. Mọi người cần chung tay tận dụng cơ hội và có giải pháp hạn chế thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”./.
Như Quỳnh