Thứ Sáu, 22/11/2024 11:25:28 GMT+7
Lượt xem: 2037

Tin đăng lúc 29-03-2019

Cách mua thịt lợn an toàn giữa “tâm bão” dịch tả lợn châu Phi

Gần đây, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại nhiều tỉnh thành đã gây ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn trên cả nước. TP Hà Nội cũng là một trong những địa phương nằm trong vùng dịch bệnh khiến người tiêu dùng tại Thủ đô lo ngại nếu mua phải sản phẩm không an toàn nên đã tẩy chay sử dụng thịt lợn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, vì thế người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn thịt để tránh mua phải thịt heo không đảm bảo chất lượng.
Cách mua thịt lợn an toàn giữa “tâm bão” dịch tả lợn châu Phi
Theo các chuyên gia, khi mua bà nội trợ cần chú ý chọn lựa những miếng thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn và đàn hồi tốt.

Khảo sát tại các chợ ở một số khu vực Hà Nội như Cầu Giấy, Mỹ Đình, Hoàng Mai…cho thấy sức mua thịt lợn giảm đáng kể so với thời gian trước. Theo lời một số tiểu thương, trước đây chỉ nửa ngày là bán hết một con lợn, nhưng nay ngồi cả ngày thì may ra mới bán hết được nửa con. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn tới những người kinh doanh mặt hàng này.

 

Chị Minh Trang ở Lĩnh Nam cho biết: “Thịt lợn là thực phẩm chủ yếu trong bữa cơm gia đình, nên biết thông tin Hà Nội cũng bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi tôi rất hoang mang, sợ mua phải thịt lợn nhiễm bệnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe cả nhà nên thời gian gần đây tôi chủ yếu sử dụng các loại thực phẩm như thịt gà, thịt vịt, cá, tôm…cho an toàn”.

 

Được biết Việt Nam hiện là nước thứ 3 ở Châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ, và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á phát hiện dịch tả lợn Châu Phi. Lợn bị dịch tả Châu Phi có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.  

 

Tuy gây nguy hiểm cho vật nuôi nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm.  

 

Thực tế, về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Để bảo đảm an toàn, người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, vi rút ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

 

Để tránh mua phải thịt lợn nhiễm bệnh, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng thịt lợn sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh. Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày. Ngoài ra, thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Khi chế biến, thịt lợn sạch luộc lên nước trong, không váng bẩn. Khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.

 

Ngoài ra, các món ăn từ thịt lợn được nhiều người Việt yêu thích như: Nem chạo, nem sống, tiết canh, gỏi… không hề an toàn, vì thế khuyến cáo người tiêu dùng tránh ăn các món ăn này bởi có thể khiến con người nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn, gây di chứng, tử vong cao. Thậm chí, dù ăn những món này được chế biến từ lợn được nuôi “cắp nách”, nuôi tại nhà... cũng vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nếu không được nấu chín kỹ. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn ở các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và có dấu kiểm dịch động vật.

 

N.H

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang