Thay bugi giả để “móc túi” người tiêu dùng
Xe máy, xe tay ga,... là phương tiện chính được nhiều người dân dùng để di chuyển, bởi giá thành của phương tiện này phù hợp với túi tiền khi không có điều kiện mua, hoặc chưa có nhu cầu sử dụng xe ô tô. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dân cần lưu ý đến những thiết bị, máy móc trên xe khi bị hỏng được thay mới, bởi thiết bị, máy móc là mặt hàng khoa học – kĩ thuật đang bị nhiều đối tượng có hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái sao cho giống hàng thật rồi tung ra thị trường nhằm “móc túi” người tiêu dùng.
Đơn cử là thiết bị bugi của xe máy, thiết bị này có nhiệm vụ phát tia lửa điện, kích thích sự bốc cháy hỗn hợp khí - nhiên liệu. Ngoài ra bugi có chức năng tản nhiệt thật nhanh để giảm bớt áp lực trong buồng đốt, điều kiện làm việc khắc nghiệt "lúc nóng lúc lạnh" nên bugi trở thành thiết bị nhanh hỏng nhất trong hệ thống đánh lửa.
Việc bugi hư hỏng sẽ dẫn đến sự phát tia lửa của bugi thay đổi cả về thời điểm và cường độ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bốc cháy hỗn hợp khí - nhiên liệu dẫn đến công suất động cơ bị suy giảm, động cơ vận hành không ổn định, thậm chí không vận hành được.
Để tiếp tục vận hành được động cơ, người tiêu dùng phải thay vào đó một chiếc bugi có giá thành từ 45-50 nghìn đồng/chiếc. Mặc dù chủ tiệm sửa chữa xe máy đã thay một chiếc bugi giả “ngụy trang” giống bugi thật cho khách hàng.
Chiếc bugi thật (phải) có màu đậm, chân to và dày hơn so với bugi giả (trái).
Theo bạn Công Minh (quê Yên Bái) đang làm việc tại Hà Nội cho biết: “Cách đây một năm, xe máy của mình xuất hiện tình trạng động cơ khó khởi động, không vận hành được khi khi đang đi trên đường. Sau đó mình đã phải đưa xe đến tiệm sữa chữa đi kiểm tra được chủ tiệm bảo là bugi của em nó cũ quá nên đánh lửa kém, khiến cho động cơ khó khởi động và dễ bị tắt máy đúng như mình gặp phải. Ông chủ tiệm bảo phải thay bugi, mình đồng ý thay loại bugi xịn theo lời quảng cáo: Anh thay cho em bugi xịn giá 50 nghìn đồng, em cứ yên tâm. Thế nhưng, vừa thay chưa được 5 tháng thì mình lại phải thay cái mới vì nó lại hỏng và được người thay bảo là bugi của em đang dùng là bugi giả loại 1...”, Minh kể lại.
Cách phân biệt bugi giả “ngụy trang” giống bugi thật
Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng, việc làm thay bugi giả không chỉ “móc túi” người tiêu dùng mà còn làm khách hàng gặp phải nhiều vấn đề khác như: khi vận hành xe máy phải tiêu hao nhiều nhiên liệu, khó khởi động, xe chết máy và tăng tốc kém,...
Ngoài ra, việc làm này đã gây ảnh hưởng đến một số thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bugi là: Bugi denso iridium power thuộc Tập đoàn Denso Nhật Bản sản xuất tại Hoa Kỳ và bugi NGK Việt Nam – trực thuộc Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam).
Chiếc bugi NGK Việt Nam thật do ông Vũ cung cấp
Trước vấn nạn trên, phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng đã tìm hiểu cách phân biệt bugi giả với bugi thật. Chúng tôi được ông Vũ, một thợ sửa chữa xe trên địa bàn Cầu Giấy phân tích: “Để phân biệt được bugi giả với bugi thật bằng mắt thường thì rất khó. Vì bugi giả được sản xuất giống như bugi thật, chỉ có thể nhận diện qua một số chi tiết như: Xung quanh ở chân bugi có màu sáng bạch kim đậm hơn bugi thật, lấp lóa nhiều mắc sắc. Đồng thời, xung quanh chân bugi có ký tự không đồng nhất và chân của nó nhỏ hơn chân bugi thật. Loại bugi này tuy chất lượng kém hơn, tuổi thọ kém hơn vẫn được bán ra với giá từ 45-50 nghìn đồng ngang với giá bugi thật nhưng cũng phải tùy theo cửa hàng, tùy theo loại. Không chỉ bugi xe máy, bugi của xe tay ga cũng có hàng giả, hàng nhái đều xuất xứ Đài Loan nhưng được giới thiệu là hàng chuẩn.
Còn đối với bugi thật, đặc điểm để nhận biết là chân có ký tự được in cùng một dãy số đồng nhất với lô hàng đã được sản xuất. Bugi này có màu sáng nhưng không đậm, còn chân to hơn, dày hơn so với bu gi giả.”
“Hiện nay, người tiêu dùng phải cẩn thận hơn trong việc chọn lựa bugi cho xe máy, tốt nhất là hãy chọn mua từ những cửa hàng kinh doanh bugi chính hãng được ủy quyền từ NGK Việt Nam hoặc Bugi denso iridium power thuộc tập đoàn Denso Nhật Bản”, ông Vũ chia sẻ.
Trọng Long