Kinh đô áo dài
Theo sử liệu, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) là vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Vị chúa này được xem là người đã có công khai sáng và hình thành nên chiếc áo dài Việt Nam. Quay về quá khứ, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân vào năm 1744, ông đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy, đáng chú ý là việc đề cập đến cải cách triều phục.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế, cho rằng trong Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục có ghi trang phục dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát được quy định "nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi là quần áo chít từ đây". "Từ đó, áo dài được ra đời, trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong" - ông Hoa nói.
Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước. Chiếc áo dài được áp dụng rộng rãi, thống nhất trên toàn quốc.
"Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu", ông Hoa khẳng định.
Áo dài nam, áo dài nữ.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng đã có công lao rất lớn trong việc đề xuất chủ trương và thực thi cải tổ triều phục, cải cách trang phục ở vùng đất Đàng Trong và toàn bộ nước Đại Nam trong lịch sử.
"Nếu như chúa Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài thì vua Minh Mạng có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là kinh đô áo dài. Vấn đề cải cách trang phục dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức mà còn phản ánh tinh thần thống nhất, tự chủ về văn hóa. Từ đó, áo dài đã trở thành trang phục chính thức của mọi tầng lớp trong xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa và chính thức trở thành quốc phục dân tộc Việt Nam”, ông Hải nói.
Cận cảnh tà áo dài truyền thống.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, áo dài là tên gọi chung cho trang phục của đàn ông và đàn bà. Áo dài là áo năm thân. Người Huế gọi áo năm thân là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (cha mẹ mình và cha mẹ người hôn phối), thân trong tượng trưng cho người con. Áo dài có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín), ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè).
“Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý”, ông Hoa nhấn mạnh.
Hồi sinh tà áo dài truyền thống
Từ thập niên 1990 trở lại đây, áo dài dần dần được hồi sinh với diện mạo mới. Những lễ hội Áo dài gắn liền với Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế đã được bắt đầu từ năm 2000 đến nay. Nhờ đó, hình ảnh chiếc áo dài được lan tỏa khắp nơi, trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền sông Hương, núi Ngự.
Bên cạnh đó, khoảng 2 năm trước, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hằng tuần; khuyến khích nữ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên mang áo dài tối thiểu hai đến ba ngày trong tuần (trong đó có ngày thứ hai). Trong dịp 8/3 hay 20/10, phụ nữ mặc áo dài truyền thống khi tham quan di tích Huế được miễn vé,...
Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cần thừa nhận thời đại đã đổi khác, rất khó để những tà áo dài truyền thống lại bay bay khắp mọi nhà, mọi đường phố, đường làng, trên sông, ngoài đồng... như một thời Huế từng có.
Theo đó, ngoài nỗ lực vận động người dân thường xuyên mang phục trang áo dài trong các sinh hoạt xã hội, Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của Áo dài Huế như tổ chức ngày hội áo dài Huế với quy mô hoành tráng, thu hút người dân cùng tham gia, khuyến khích xây dựng các show trình diễn Áo dài Huế, nâng chất lượng, gắn Lễ hội Áo dài ở mỗi kỳ Festival Huế với một không gian độc đáo của di tích cố đô…”
Đề xuất một số vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản áo dài tại Huế, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho hay: “Với các tư liệu, hiện vật, căn cứ khoa học từ công trình nghiên cứu... tại TP Huế cần sớm thành lập Bảo tàng Áo dài Việt Nam. Bảo tàng là nơi sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá áo dài tới khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây sẽ là sản phẩm du lịch khá thú vị cho du khách khi đến Huế”.
Tri ân người khai sinh ra Áo dài Việt Nam.
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người có công định chế y phục áo dài Việt Nam. Trong trang phục áo dài đen, khăn đóng, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ trì dâng hương lên mộ phần chúa Nguyễn Phúc Khoát ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử.
“Một thời kì dài đi khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc áo dài của các mệ, các cô, các chị và các em học sinh… Nó làm tôn lên tính cách đức độ, kín đáo, thùy mị, toát lên được thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, ứng xử. Hay hình ảnh của các cụ ông, các bác, các chú trong dịp lễ hội văn hóa truyền thống, việc làng, việc họ cùng chiếc áo dài khăn đóng thể hiện phong thái của người chính nhân quân tử với Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”, ông Thọ cho hay.
Cũng theo ông Thọ, sắp tới, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các giải pháp để cổ vũ người dân mặc Áo dài truyền thống trong các dịp lễ nghi và có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn.
"Thời gian tới, tất cả những buổi tiếp đại sứ nước ngoài đến thăm và làm việc ở Huế, tôi sẽ mặc áo dài để khẳng định rằng, áo dài là một nét đẹp truyền thống, là biểu tượng văn hóa Việt Nam nói chung và biểu tượng của bản sắc văn hóa Huế nói riêng”, ông Thọ chia sẻ.
Theo Khám phá