Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam khẳng định: Chủ trương này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi tính đúng đắn. Nếu các Bộ, ngành trong cả nước, toàn quân, toàn dân cùng quyết tâm nói không với thuốc lá lậu thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được vấn nạn này.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, buôn lậu thuốc lá hiện đang là “vấn nạn quốc gia”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Là một người trong ngành thuốc lá, ông thấy vấn đề này như thế nào, tình trạng buôn lậu thuốc lá có thực sự nghiêm trọng?
Ông Vũ Văn Cường: Đúng như vậy. Buôn lậu thuốc lá đã trở thành vấn nạn quốc gia, gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất trong nước, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thất thu ngân sách và ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của hàng triệu người lao động từ nông dân trồng cây thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc lá, lao động làm việc trong hệ thống phân phối thuốc lá, v.v… Tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn được bầy bán công khai ở nhiều nơi ở các địa phương trên cả nước và gia tăng về chủng loại với hàm lượng tar, nicotine vượt mức cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Số thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; Năm 2014, thuốc lá lậu tăng lên 30-40%. Thuốc lá lậu xuất hiện lan tràn ở hầu hết các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, và gia tăng về số lượng và chủng loại. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là HERO, JET (giá khoảng 14.000-18.000đ) thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (5.000đ), Elephant (5.500đ), v.v... Theo điều tra của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).
Thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine;không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng. Hàm lượng Tar, Nicotine đều cao hơn mức thông thường, vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế Việt Nam, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Tình trạng nhập lậu, buôn bán thuốc lá lậu trái phép, ngang nhiên là thách thức về an ninh trật tự xã hội.
Thời gian vừa qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được sự quan tâm đặc biệt của Bộ, ngành và Nhà nước, bằng việc cho ra đời hàng loạt văn bản pháp luật. Điều này có giúp tình trạng buôn lậu thuốc lá thuyên giảm? Ông có thể nói rõ về tình trạng buôn lậu thuốc lá trong 6 tháng đầu năm?
Ông Vũ Văn Cường: Nhận thấy tình hình buôn lậu thuốc lá đang ngày càng nghiêm trọng và có tác động xấu đến xã hội, năm 2014, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, sáng suốt để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, buôn bán trái phép thuốc lá và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Cụ thể: Thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Quyết định số 2371 QĐ-TTG ngày 26/12/2014 dừng thí điểm tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nghị quyết 41 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và phải tập trung đấu tranh trên cả ba lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.
Những quyết sách đúng đắn của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và từng bước đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá. Cùng với sự ra quân đồng loạt của Ban Chỉ đạo 389, các Bộ, ban, ngành và địa phương, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam giảm mạnh trong thời gian gần đây; giá thuốc lá nhập lậu tăng cao. Nhiều đối tượng đầu nậu, đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu bị bắt và xử lý. Từ khi có Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong thời gian từ tháng 10/2014 đến nay, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã bắt giữ số vụ và lượng thuốc lá ngoại nhập lậu tăng 45% so với cùng kỳ; Số lượng thuốc lá lậu toàn quốc giảm 10%. Một số đối tượng đầu nậu, cầm đầu buôn lậu thuốc lá bị bắt giữ: Ngày 3/1/2015, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt 62 nghìn bao thuốc lá tại Củ Chi; ngày 8/1/2015, C46, Bộ Công an và tổ công tác Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bắt giữ 52 ngàn bao thuốc lá tại Long An. Cả 2 vụ đều bắt giữ được đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây buôn lậu với thời gian dài. Đó là những thành tích rất đáng biểu dương của các lực lượng chức năng thời gian qua.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã ra văn bản “cấm” cán bộ trong ngành hút thuốc lá lậu và nhiều người cho rằng đây là văn bản thiếu tính khả thi. Ý kiến của ông về chủ trương này như thế nào? Liệu có cần thêm giải pháp nào thêm để công tác chống hút thuốc lá lậu tại Bộ được thực hiện thành công?
Ông Vũ Văn Cường: Chúng tôi đánh giá cao công văn số 6351/BCT-VP ngày 25/6/2015 của Bộ Công Thương về việc cán bộ công chức ngành Công Thương không sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu. Đây là một chủ trương hết sức kịp thời của Bộ Công Thương nhằm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Công Thương đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiên phong, đi đầu thực hiện quyết tâm đẩy lùi thuốc lá lậu của Chính phủ bằng nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức trong Ngành. Công văn này đã nhắc nhở và nâng cao ý thức cho mọi người rằng hút thuốc lậu là hành vi tiếp tay cho buôn lậu và trốn thuế. Chủ trương này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi tính đúng đắn cũng như trước thực tế rất rõ ràng là hút thuốc lá ngoại nhập lậu vừa gây nguy hiểm cho sức khỏe vừa làm thất thu ngân sách quốc gia, v.v... Đây là một việc làm hết sức thiết thực của Bộ Công Thương. Nếu các Bộ, ngành trong cả nước, toàn quân, toàn dân cùng quyết tâm nói không với thuốc lá lậu thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được vấn nạn này, đưa Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, nhằm tăng thu cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Là một người có tâm huyết và trực tiếp hoạt động trong ngành thuốc lá, ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu mặt hàng này thuyên giảm?
Ông Vũ Văn Cường: Hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Để Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng thu ngân sách Nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Kiến nghị các địa phương trong cả nước triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg đồng bộ và quyết liệt hơn. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu (đặc biệt là việc tăng cường công tác kiểm tra bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…). Kiến nghị các cơ quan, ban, ngành địa phương có văn bản yêu cầu cán bộ, đảng viên, CNV làm việc trong bộ máy hành chính Nhà nước không được hút thuốc lá lậu, có những biện pháp để ưu tiên sử dụng sản phẩm hợp pháp, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vừa qua, Bộ Công Thương đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiên phong thực hiện với chủ trương cán bộ viên chức ngành Công thương không sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu.
Theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá với mức đóng là: 1% từ 01/5/2013; 1,5% từ 01/5/2016; 2% từ ngày 01/5/2019 (tính trên giá tính thuế thuế tiêu thụ đặc biệt của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 400-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài (mới sử dụng 10% quỹ)…; trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, cho phép trích khoảng 50% Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá nhập lậu có tác hại lớn hơn do trốn thuế, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Quỹ này nên được đặt tại Bộ Tài chính quản lý để giúp công tác điều tiết nguồn lực được hiệu quả, không để bên quá thừa, bên lại quá thiếu.
Chính phủ sớm ban hành quy định: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng 500 bao trở lên. Tại Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC, Điều 7.2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự khi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do đó, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng và giao cho nhiều người khác nhau vận chuyển hoặc tàng trữ dưới mức 1.500 bao để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phương thức tinh vi này của đối tượng buôn lậu đã gây nhiều khó khăn cho công tác truy quét, phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng và không có cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý hình sự chiếm chưa tới 1% tổng số vụ bị bắt giữ (0,95%) .
Vừa qua, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo ngay trong Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phân công cho các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe. Chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần phải triển khai nhanh việc sửa đổi Thông tư nhằm giúp công tác chống buôn lậu hiệu quả hơn. Chúng tôi hy vọng trong quý 3/2015 sẽ có được sự điều chỉnh đó.
Thưa ông Vũ Văn Cường, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã làm gì để phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu thuốc lá?
Ông Vũ Văn Cường: Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389, các Bộ, ngành trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình buôn lậu thuốc lá, nhất là các thống kê, điều tra thị trường của các tổ chức có uy tín trên toàn cầu. Nhanh chóng hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chức năng trực tiếp thực hiện bắt giữ, xử lý tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả. Theo Thông tư số 19/2015/TT-BTC ngày 03/02/2015, các lực lượng chức năng bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá nhập lậu sẽ được hỗ trợ 3.500 đồng/bao (không phân biệt cao cấp hay thấp cấp). Theo đó, Hiệp hội sẽ tạm ứng 50% số kinh phí hỗ trợ xác định cho lô thuốc lá điếu bị bắt giữtrong vòng 10 ngày sau khi nhận được thông báo của Ban Chỉ đạo 389 địa phương về số lượng, chủng loại thuốc lá điếu bị bắt giữ. Thanh toán số kinh phí hỗ trợ còn lại trong vòng 10 ngày sau khi nhận được thông báo đã tiêu hủy. Kịp thời khen thưởng động viên các đơn vị đã có thành tích trong công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Vừa qua Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã trao tặng thưởng 30 triệu đồng cho Lực lượng cảnh sát biển đã có thành tích bắt giữ tàu vận chuyển hơn 82.000.000 bao thuốc lá lậu. Tới đây, Hiệp hội sẽ tổ chức khen thưởng động viên cho các cơ quan báo chí đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền chống thuốc lá lậu.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương