Tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cam, quýt là cây trồng cho sản lượng, năng suất và chất lượng cao, giá cả cao hơn hẳn các loại cam nhập khẩu từ Trung Quốc bán ra trên thị trường. Đang trong thời điểm đầu vụ, song tại một số tuyến phố ở Hà Nội, nhiều tiểu thương đã bày bán cam Cao Phong với mức giá chỉ 10.000 đồng/kg.
Cam Cao Phong - thật giả lẫn lộn
Những ngày này, đi học tuyến đường Nguyễn Xiển, cùng với hàng loạt các biển quảng cáo đặc sản như nho Ninh Thuận, dừa xiêm Bến Tre, quýt Hà Giang, thì mới đây, đặc sản cam Cao Phong lại tiếp tục xuất hiện trên thị trường với mức giá rẻ chỉ 10.000 đồng/ kg khiến người tiêu dùng băn khoăn về loại đặc sản vốn ngon và đắt đỏ này.
Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ đầu mối ở Hà Nội tình trạng cam Trung Quốc “trộn” cam Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến. Thời gian gần đây, do những cảnh báo liên tục của cơ quan chức năng về những độc tố trong hoa quả Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng hoang mang và không sử dụng cam và hoa quả Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo một tiểu thương tiết lộ khoảng 3 năm trở về trước, cam Cao Phong mất giá thảm hại. Có những năm cao Cao Phong bán tại vườn chỉ dao động từ 5 -7 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm đó, cam Trung Quốc đang rất thịnh hành và được người tiêu dùng ưa chuộng do vỏ bề ngoài sần sùi lại giống bị cháy và sám nắng không sáng và đẹp bằng cam Trung Quốc nên cam Cao Phong không tiêu thụ được nhiều.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, “cam bẩn bẩn” tại các vườn ở huyện Cao Phong lại được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán cũng vì thế mà tăng lên. Hiện mức giá bán cam Cao Phong tại vườn dao động từ 35 – 70 nghìn đồng/kg tùy loại. “Nếu so với giá bán cam Trung Quốc trên thị trường hiện nay là san san như nhau tuy nhiên cam Cao Phong lại được tiêu thụ rất nhanh”, một tiểu thương bán hoa quả cho hay.
Cô Nguyễn Thị Hải, một người bán hàng tại chợ Dịch Vọng chia sẻ: "Mới đầu vụ, khách mua cam đã vào tận vườn đặt hàng, với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay tại phố Nguyễn Xiển, giá cam Cao Phong rẻ như vậy đích thị là hàng Tàu gắn mác.
Người tiêu dùng không thể nhận biết được thật - giả
Theo kinh nghiệm của nhiều tiểu thương tại chợ, cam Cao Phong nhìn bề ngoài vỏ sần sùi, không sáng, có nhiều vết nám ở vỏ trái ngược với cam tàu vỏ sáng, bắt mắt. Tuy nhiên khi ăn vào, cam Cao Phong lại rất ngọt và mọng nước trong khi cam tàu ăn vào lại có vị nhạt, không đậm đà.
Cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam trên thị trường. Quả có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng nên ngày càng được ưa chuộng. Từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông, mảnh đất Cao Phong với sự phát triển mạnh mẽ của cây cam đã không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.
Loại cam Trung Quốc có màu vàng bắt mắt hơn so với cam Cao Phong
Như vậy, để tránh mua phải cam Trung Quốc trà trộn cam Cao Phong và đánh giá đúng chất lượng cam của địa phương, người tiêu dùng khi mua mặt hàng cam, quýt cần lưu ý: về bình diện chung, cam xuất xứ Trung Quốc có màu sắc rực rỡ hơn, quả đẹp, sáng, phần cuống và lá để nhiều ngày vẫn xanh sậm, vị ngọt nhạt khi nếm, trọng lượng quả tương đương. Còn cam V2 xuất xứ địa phương có 2 loại quả hình tròn - cầu và hình trứng, màu sắc không sáng (muội hơn và hơi xanh trên cuống), khi cắt cuống dính lá, dấu hiệu dễ nhận thấy là mo lá sẽ bị héo chỉ sau nửa ngày, khi bổ ăn, cam rất ít hạt và gần như không có hạt, màu sắc đỏ, tép giòn và vị ngọt sắc.
Nguồn Huyền Thương/ nguoitieudung.com.vn