Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Pháp với hệ thống giao thông đường bộ, đường sông khá thuận tiện cho phát triển một nền kinh tế đa dạng, nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp, khai khoáng và dịch vụ du lịch...
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự phối hợp và tạo điều kiện của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và tinh thần nỗ lực với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 13,28%, cao hơn 2,58% so với giai đoạn 2006 – 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông, lâm thủy sản giảm từ 44, 42% năm 2010, xuống còn 38,05% năm 2015; Công nghiệp, xây dựng tăng từ 17,36% lên 20,26%, dịch vụ tăng từ 38,22% lên 41,69%; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 21,65 triệu đồng, tăng 14,2% so với năm 2010.
Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tập trung cải tạo vườn tạp (kết quả đạt 1.003ha/1.382ha), quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường. Chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 75 triệu đồng, tăng 50% so với năm 2010, đạt 136,3% so với mục tiêu Đại hội. Năng suất, sản lượng lương thực vượt so với mục tiêu Đại hội đề ra (trên 60 ngàn tấn).
Xác định công nghiệp có sức bật lớn cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy huyện đã tích cực phát triển nhiều cơ sở công nghiệp được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động như: Nhà máy may tại Cẩm Tú; Cơ sở may tại Cẩm Thành; Nhà máy Chế biến dăm gỗ xuất khẩu Cẩm Châu. Đến nay, đã có 73 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2010. Toàn huyện có 1.074 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2015 ước đạt 813,8 tỷ đồng.
Dịch vụ, thương mại và du lịch tiếp tục phát triển cả về quy mô và loại hình với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, tăng 500 cơ sở so với năm 2010. Giá trị hàng hóa xuất khẩu bình quân 0,94 triệu USD/năm, giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2015 ước đạt 1.705 tỷ đồng, vượt 70,5% so với mục tiêu Đại hội. Hoạt động du lịch được quan tâm chỉ đạo, hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư, khu du lịch Cẩm Lương đã được quy hoạch chi tiết với diện tích 300 ha. Du khách đến tham quan hàng năm khoảng 250 ngàn lượt người.
Công tác quản lý giáo dục có nhiều đổi mới, nền nếp kỷ cương trong dạy và học được tăng cường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình và tốt nghiệp các cấp học cao hơn so với bình quân của tỉnh. Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng (có 50 giải quốc gia về văn hóa, khoa học kỹ thuật và thể dục thể thao; 01 thủ khoa và 01 á khoa đại học). Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, tỷ lệ đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 63%, tăng 17% so với năm 2010.
Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, một số kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh được chuyển giao và thực hiện thành công. Công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Các chỉ tiêu về y tế, chăm sóc sức khỏe đều đạt kế hoạch, trong đó tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo nghị quyết đại hội đạt 100%.
Huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện, triển khai có kết quả chương trình mục tiêu quốc gia về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức được 50 lớp tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 70% là người nghèo và dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,85% năm 2010 xuống còn 9,4% năm 2015. Bình quân mỗi năm giảm 3.8%, vượt mục tiêu Đại hội đề ra.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã xây dựng quy hoạch nông thôn mới, lựa chọn và đăng ký tiêu chí phù hợp. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa được 460 km đường giao thông nông thôn, 99 km đường nội đồng, 171 km kênh mương nội đồng, xây dựng 47 nhà văn hóa thôn, đưa vào sử dụng 3 trụ sở xã, 01 trung tâm văn hóa thể thao, nâng cấp, sửa chữa 30 đập, trạm bơm. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới là 414 tỷ đồng.
Trong những năm tiếp theo, Đảng bộ, Chính quyền huyện Cẩm Thủy xác định, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, dịch vụ, du lịch, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phát triển kinh tế rừng có hiệu quả, tạo sự phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Những tiềm năng to lớn mà thiên nhiên đã ban tặng, kết hợp với sự cầu thị, học hỏi, bám sát các chủ trương, tích cực đón nhận những cơ hội mới của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và tính chủ động vượt khó của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã, luôn gần dân, bám sát tình hình cụ thể của dân, kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, trở ngại cho cơ sở. Tin rằng, trong thời gian tới, Cẩm Thủy sẽ có bước đột phá mạnh mẽ, vươn lên gặt hái được nhiều thành công mới, như cánh én dang rộng, tung bay giữa trời xanh thắm, đón mùa xuân mới trên vùng “non thanh thủy tú” Cẩm Thủy tươi đẹp, giàu tiềm năng và ấm áp tình người.
Xuân Trường