Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã trình bày, phân tích những tiềm năng thế mạnh cũng như những tồn tại hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội vừa qua đồng thời tập trung thảo luận đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế về quản lý và điều hành; nghiên cứu xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, các ngành dịch vụ có chất lượng cao; kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối trong phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, cần tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không, ưu tiên vốn đầu tư các công trình trọng điểm, huyết mạch liên vùng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm và giữa vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh khác trong vùng và trong cả nước trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao trình độ dân trí, tỷ lệ lao động qua đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho người dân; đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khoa học-công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng thời gian tới Trung ương cần quan tâm tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 về hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, các công trình thủy lợi, cảng biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những điểm nghẽn làm hạn chế phát triển của vùng hiện nay. Bên cạnh đó tập trung nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Vùng tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các địa phương. Tiếp tục nghiên cứu chính sách đặc khu kinh tế để hình thành Đặc khu kinh tế Phú Quốc; khẩn trương hoàn thiện quy chế liên kết vùng, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp và nông dân tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tập trung thu hút nguồn vốn ODA.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh thời gian tới vùng cần lựa chọn sản phẩm theo thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh, từng thành phố trên nền tảng gắn kết với thị trường trong và ngoài nước; đồng thời phát triển hạ tầng khung của vùng nhưng phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong tổ chức sản xuất phải sản xuất hàng hóa với chất lượng cao và quy mô lớn (sản xuất lớn), sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, năng suất cao và giá trị trên đơn vị sản xuất phải tăng. Các tỉnh cũng cần mở rộng mô hình liên kết trong sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước...
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần có giải pháp huy động nguồn lực trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các bộ ngành Trung ương và sự phối hợp chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển của các địa phương, kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của hai khu vực này từ 9,55% đến 12,82%/năm. Hạ tầng giao thông từng bước phát triển, tạo sự kết nối giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương khác trong vùng. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên...
Tuy nhiên, toàn vùng vẫn còn gặp một số khó khăn hạn chế như kết cấu và quy mô kinh tế của vùng còn nhỏ, thiếu tính bền vững; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp mũi nhọn để đầu tư đúng mức; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết được chuỗi giá trị cho nông sản. Môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài...
Tại hội thảo, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng tín dụng tài trợ trong địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, lương thực và cánh đồng mẫu lớn, y tế... với tổng nguồn vốn tín dụng trong các hợp đồng là 633 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử