Thứ Sáu, 22/11/2024 11:18:51 GMT+7
Lượt xem: 3225

Tin đăng lúc 10-05-2017

Cần nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Năm 2017, dự báo thương mại, đầu tư của thế giới có thể bị ảnh hưởng theo hướng suy giảm, Vương quốc Anh rời EU, Mỹ không tham gia TPP, Chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, đồng đô la Mỹ mạnh lên, trong khi đồng tiền của các nước khác yếu đi…. Những yếu tố đó sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam bởi chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trước thực tế này, phát huy nội lực, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế được coi là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng.
Cần nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Vấn đề đặt ra là cách thức thực hiện như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, xung quanh vấn đề này.

 

PV: Thưa ông! Vài năm trở lại đây nền kinh tế của chúng ta theo đuổi mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu. Theo đánh giá của ông, chiều sâu đó đã đạt được ở mức độ nào?

           

TS. Vũ Đình Ánh: Xét từ năm 2016 trở về trước, thì có thể nói chúng ta đã làm được không ít việc với việc tăng trưởng theo chiều sâu. Điển hình nhất là từ trước đến nay chúng ta tăng trưởng dựa vào tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 2007-2008 và trước 2010 tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 40% GDP, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế lại không cao tương ứng với quy mô đầu tư tăng đó. Để phát triển theo chiều sâu, trong những năm gần đây, chúng ta đã tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đồng thời tìm ra yếu tố mới thay việc tăng trưởng kinh tế nhờ vào vốn đầu tư. Đơn cử như tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 chỉ 33% GDP trong khi chúng ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%. Vấn đề thứ hai là việc chúng ta tăng năng suất lao động toàn xã hội. Quy mô GDP tăng cộng với việc chúng ta có sử dụng nhiều hơn các yếu tố về máy móc thiết bị, công nghệ và khoa học nên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng. Thông qua đó, năng suất lao động toàn xã hội của mội người Việt Nam cũng tăng, mặc dù chúng ta so với các nước trong khu vực vẫn ở mức thấp. Yếu tố thứ ba là 3 trụ cột về tái cơ cấu nền kinh tế, liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và liên quan đến tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại. Năm 2016, có Nghị quyết Trung ương V với việc là mô hình tăng trường kinh tế, thì chúng ta khẳng định những gì chúng ta đạt được và sẽ tiếp tục trong thời gian tới về mô hình tăng trưởng theo chiều sâu đó, dựa trên 3 trụ cột là chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

PV: Những năm gần đây, trong khi chúng ta đã và đang nỗ lực để có bước chuyển về chất lượng tăng trưởng, thì có ý kiến cho rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế đang bị bào mòn đi. Quan điểm của ông như thế nào?

           

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng, năng lực cạnh tranh hay sức cạnh tranh của Việt Nam chúng ta đã tăng lên trong thời gian qua và chúng ta có khá nhiều điều kiện, tiền đề để có thể tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh đó. Rõ ràng với các động thái về đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là bắt đầu từ năm 2016, chúng ta nhấn mạnh vai trò của Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, đó là những nội dung trụ cột chắc chắn để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vấn đề thứ hai là gắn với năng lực cạnh tranh quốc gia thì có khá nhiều tiêu chí để đánh giá, trong đó có các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, các tiêu chí về mặt thể chế để giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế trong nước, kèm theo đó là các ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô cũng như về xã hội, đó là những ưu thế không thể phủ nhận của kinh tế Việt Nam. Nhờ những ổn định đó thì trong thời gian vừa qua chúng ta đã có yếu tố tốt để ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của cả nền kinh tế. Vấn đề thứ hai liên quan đến năng lực cạnh tranh là năng lực cạnh tranh của các ngành, các nhóm sản phẩm. Với việc tăng tốc độ kim ngạch xuất khẩu khá tốt mặc dù thị trường thế giới không hẳn là thuận lợi trong thời gian qua và như năm 2016 khi tổng kim ngạch xuất khẩu chúng ta đạt lỷ lục là trên 176 tỷ đô la Mỹ đã chứng minh cho năng lực cạnh tranh của khá nhiều ngành nghề nhóm hàng chúng ta có sự phát triển tốt. Một trong những biểu hiện niềm tin của năng lực cạnh tranh năm 2016, chúng ta đã thấy kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký mới hoạt động đã lên tới 110.000 doanh nghiệp, triển vọng năm 2017 thì số lượng doanh nghiệp mới đăng ký sẽ tiếp tục thêm nữa.

 

PV: Làm sao để có sự chuyển động đồng đều từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành, lĩnh vực, thưa ông?

           

           

 

Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế

 

TS.Vũ Đình Ánh: Khoảng 10 năm gần đây chúng ta nói nhiều về cải cách hành chính, cải cách thể chế, tuy nhiên chúng ta chưa chạm đến hay có làm nhưng chưa làm được nhiều, đó là nâng cao hiệu quả hay năng lực cạnh tranh của bản thân bộ máy hành chính của chúng ta, tạo ra bộ máy nhất quán, đồng bộ có trình độ, có năng lực để mà vận hành, chuyển từ Nhà nước, xưa nay là Nhà nước quản lý, Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo như chúng ta mong muốn. Nhà nước phải đóng vai trò là bà đỡ tạo ra môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thật sự bình đẳng. Phải nhất quán từ trung ương đến địa phương, từ Chính phủ cho đến các bộ ngành để có thể giúp bộ máy đó vận hành thật sự hiệu quả. Tôi cho rằng, ở đây có ít nhất hai yếu tố liên quan đến bộ máy hành chính, chúng ta phải cơ cấu lại để tránh bộ máy hành chính cồng kềnh, nhũng nhiễu, làm hạn chế việc tăng năng suất lao động xã hội nói chung cũng như việc chúng ta chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Vấn đề thứ hai là con người, chúng ta cần rà soát có những cơ chế tuyển dụng, loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực, kém phẩm chất thì lúc đó chúng ta mới tinh gọn bộ máy hành chính, nhưng đồng thời vẫn nâng cao hiệu quả năng lực bộ máy đó. Đó là yếu tố then chốt giúp việc triển khai những chủ trương đường lối của chúng ta từ cấp trên xuống cấp dưới một cách thông suốt, hiệu quả cao nhất.

 

PVTrước những khó khăn, bất định của năm 2017, theo ông, các nhà điều hành kinh tế, doanh nghiệp cần lưu tâm vấn đề gì để chúng ta thực sự phát huy được nội lực, trụ vững và phát triển?

 

TS.Vũ Đình Ánh: Năm 2017 được dự báo còn rất nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam kể cả tầm kinh tế vĩ mô và vi mô của các doanh nghiệp, thách thức lớn nhất trong năm 2017 là tính bất định của các yếu tố trên thị trường quốc tế. Khi mà năm 2016 với sự kiện như Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ, tình hình chính trị diễn ra tại rất nhiều nước trên thế giới trong năm 2016 sẽ gây ra tính bất định lớn về kinh tế tài chính năm 2017, qua đó tác động đến kinh tế Việt Nam, kể cả toàn bộ nền kinh tế và đối với mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta phải chú tâm theo dõi sát yếu tố bất định, diễn biến trên tình hình kinh tế thế giới trong năm 2017, cần chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, cũng như đối sách phù hợp để làm sao không bị bất ngờ trước biến động đó, đồng thời tranh thủ được điều kiện thuận lợi và vượt qua thách thức mà các yếu tố bất định có thể tác động đến Việt Nam.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nhữ Anh (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang