Thứ Sáu, 22/11/2024 09:27:20 GMT+7
Lượt xem: 6618

Tin đăng lúc 16-10-2017

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2017 và những vấn đề đặt ra

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Với mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016. Đạt được kết quả này là nhờ có những giải pháp kịp thời, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2017 và những vấn đề đặt ra
Ảnh minh họa

Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Phóng viên Nguyên Long đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh về vấn đề này.

 

PV: Thưa ông! Chúng ta đã đi qua 3 quý của năm kế hoạch 2017. Xin được hỏi cảm xúc của ông như thế nào về kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng vừa được Tổng cục thống kê công bố?

 

TS. Vũ Đình Ánh:Tôi rất ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế của chúng ta, đặc biệt là kết quả tăng trưởng của quý III. Ấn tượng thứ hai là, với con số này là sự lạc quan, bởi nửa đầu năm 2017 thì có khá nhiều ý kiến bi quan, thậm chí có người cho rằng, chúng ta khó đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả của quý III vừa rồi cho thấy, chúng ta có nhiều cơ sở lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế cả năm 2017.

 

PV: Với mức tăng trưởng quý III được coi là mức tăng trưởng cao nhất, lên tới hơn 7,4% trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cho thấy các chính sách vĩ mô đã thực sự đi vào cuộc sống và liệu đây đã là cơ sở cho các kế hoạch tăng trưởng cao trong thời gian tới, thưa ông?

 

TS Vũ Đình Ánh: Chúng ta nên nhìn về tăng trưởng 9 tháng vừa rồi, đầu tiên là sự tăng trưởng khá đồng đều của cả 3 khu vực: Khu vực công nghiệp, khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ. Đặc biệt, những ngành mà chúng ta hay gọi là sản xuất vật chất đã có những tiến bộ vượt bậc. Đây là cơ sở tương đối vững của việc tăng trưởng kinh tế năm 2017 và những năm tiếp theo. Vấn đề thứ hai là, sau quý I/2017, khi tăng trưởng kinh tế cả nước đạt ở mức khá thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Quý III chúng ta lại chứng kiến, mức tăng trưởng tương đối cao so với nhiều năm. Như vậy, rõ ràng ở đây, tác động chính sách, các cơ chế, biện pháp cụ thể đã giúp trực tiếp và gián tiếp thức đẩy tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng vừa rồi. Ví dụ như chúng ta đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin tốt hơn trong giới sản xuất kinh doanh. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt được như chúng ta mong muốn. Tôi cho rằng đó là yếu tố quan trọng không thể phủ nhận tác động tích cực của chính sách, cơ chế đúng hướng.

 

PV: Mặc dù khẳng định, với mức tăng trưởng 6,41% của 9 tháng (và đặc biệt, với mức tăng trưởng ngoạn mục của quý III) là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng cả năm nay đạt 6,7%. Song, muốn đạt được mục tiêu đó, thì quý cuối năm này, tăng trưởng GDP phải đạt hơn 7,3%, đây là một mục tiêu khá cao. Liệu chúng ta có hoàn thành được không?

 

TS Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng, Tổng cục Thống kê  đã đưa ra tính toán khá chính xác, khi cho rằng trong quý IV chúng ta phải tăng trưởng khoảng 7,3%. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, hàng quý thì trong rất nhiều năm, tăng trường GDP quý sau sẽ cao hơn quý trước, 9 tháng đầu năm nay cũng đã chứng minh như vậy. Năm nay thì quý sau cao hơn quý trước khá nhiều, do đó, tôi cũng chia sẻ với Tổng cục Thống kê, tuy nhiên với diễn biến của tăng trưởng GDP thì tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ không phải khó khăn. Vấn đề thứ hai quan trọng hơn rất nhiều là khi đã tạo được niềm tin, lạc quan, hứng khởi trong sản xuất kinh doanh thì trong quý IV chúng ta đã có rất nhiều thuận lợi. Do đó, sau khi có số liệu 9 tháng qua thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017 đã nằm trong tầm tay. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng phải tiếp tục tạo ra tiền đề và cơ sở để tăng trưởng tốt hơn, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

 

PV: Ông nhìn nhận sẽ có những khó khăn như thế nào?

 

TS Vũ Đình Ánh: Khó khăn thì luôn có, đó là thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Thứ nhất đó là, liên quan đến rủi ro, đầu tiên là liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta cần sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn tốt hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn nữa. Khó khăn thứ hai là, công nghiệp luôn đạt tăng trưởng kinh tế tốt và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì công nghiệp khai khoáng vẫn ở tình trạng hết sức khó khăn. Thứ ba là, nhìn vào khu vực dịch vụ, khu vực này chịu nhiều tác động mà tính khách quan nhiều hơn là những chính sách cụ thể. Tôi cho rằng, đây là những khó khăn, chúng ta cần bổ sung thêm cơ chế chính sách, khu vực dịch vụ cũng phải tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả để góp phần nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.

 

PV: Nhìn vào tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm nay (qua các số liệu thống kê) có thể thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn nắm vai trò “dẫn dắt” thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 12,8% (cao nhất trong nhiều năm trở lại đây). Nhiều chuyên gia đã nhận định, khi tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu – nhất là khi chúng ta thu hút đầu tư FDI nhưng lại chưa tận dụng được các lợi thế từ khối này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn, bền vững hơn. TS Vũ Đình Ánh, chắc hẳn ông cũng thấy rõ tính 2 mặt vấn đề này ?

 

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng, đó là lo ngại không phải không có căn cứ, tuy nhiên, đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng này lại chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Chỉ tính riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Galaxy Note 8 đã góp phần làm cho ngành công nghiệp điện tử trong quý III đạt tốc độ tăng trưởng tới 45%... Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, với sự đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nói chung và của Sam Sung nói riêng, chúng ta nên có đánh giá tích cực hơn. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã, đang và sẽ trở thành bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. Việc Sam Sung thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì ngày càng chứng minh định hướng rất đúng. Hiện nay, chúng ta đang chọn những nhà đầu tư mang tính chiến lược, họ có kế hoạch, thực tế triển khai. Tôi tin rằng, tới đây sẽ còn những tập đoàn kinh tế lớn nữa lựa chọn Việt Nam là điểm đến, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Vấn đề là không phải nhìn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với những thành công của họ mà nói rằng ảnh hưởng tiêu cực hay chưa ảnh hưởng tốt khu vực kinh tế trong nước của chúng ta. Vấn đề các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải có tác động lan tỏa, liên kết, làm sao giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cung cấp các sản phẩm, các linh kiện mà chúng ta hay gọi là công nghiệp phụ trợ cho những ngành này. Có như vậy Việt Nam mới có ngành công nghiệp chế biến chế tạo bền vững. Tôi tin rằng, đóng góp của khu vực kinh tế trong nước sẽ không kém, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế chúng ta cũng sẽ cao hơn nhiều so với tốc độ hiện nay.

 

PV: Xin cảm ơn TS. Vũ Đình Ánh!

 

Nguyên Long (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang