Rất nhiều người tiêu dùng sợ hãi vì ngay cả thứ thuốc lá bình thường này các thương lái cũng nhập lậu để có thể kiếm lời. Được xem là thứ thuốc dân gian chữa bệnh cứu người rất hiệu quả nhưng nay được liệt vào danh sách những sản phẩm có khả năng mắc bệnh ung thư cao chính là lời cảnh tỉnh dành cho người tiêu dùng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào để tránh biến “lợn lành thành lợn què”. Trung Quốc là quốc gia chính được Việt Nam nhập khẩu thuốc bắc và các loại dược liệu. Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60 ngàn tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Thuốc đông y tại Việt Nam từ nhiều năm nay được nhập qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái. Điều đáng nói là phần lớn nguồn nguyên liệu này đều chứa hàm lượng độc tố cao.
Để thuốc bắc không bị mốc, có màu sáng đẹp, nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng vượt quá quy định cho phép, bất chấp tác hại của nó đối với người tiêu dùng. Theo các nhà chuyên môn, bảo quản bằng lưu huỳnh là rất nguy hiểm bởi đông dược là là những vị thuốc làm từ rễ, thân, lá, cây cỏ và từ da, xác động vật... dễ hút ẩm nên đây là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc, có khả năng gây ung thư nếu tồn dư một lượng đáng kể trong cơ thể. Khi bị dị ứng với lưu huỳnh, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính.
Tại Hà Nội, mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hơn 7 tấn thuốc bắc bao gồm 19 vị thuốc bắc như táo mèo, nhân trần, quy nhật, kim tiền, xa sâm, hoa nhài, sài đất, kinh giới, trạch tả, lá sen, quế chi, xạ đen…điều đáng nói tất cả số dược liệu trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo Ông Chu Xuân Kiên - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tình hình kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong đó có thuốc bắc diễn ra phức tạp. Hiện, phần lớn lượng dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch, nên gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng. Các hành vi vi phạm tinh vi, đa dạng; chủ yếu là không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng sơ chế... Trong nhiều lần kiểm nghiệm, cơ quan chức năng còn phát hiện có không ít loại dược liệu nhập khẩu đã bị chiết xuất hút hết hàm lượng tinh chất chỉ còn là… củi rác.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm về kinh doanh dược liệu; trong đó phạt hành chính 303,85 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 550,693 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong quý I/2019, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 6 vụ vi phạm kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về hàm lượng độc tố cho phép, hóa chất bảo quản… Hầu hết đều xử lý chung chung nên không đủ sức răn đe và phòng ngừa.
Chính vì thế, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên tới các cơ sở uy tín có giấy phép hành nghề, các bệnh viện đông y để được bắt mạch, kê đơn, không nên tự ý điều trị và sử dụng thuốc bắc ở các cơ sở nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tránh “tiền mất tật mang”, các cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử phạt đối với các cá nhân, đơn vị nhập lậu, dùng hóa chất độc hại cần được tăng nặng để nâng cao sức răn đe, phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trường An