Thứ Năm, 21/11/2024 21:04:49 GMT+7
Lượt xem: 4980

Tin đăng lúc 11-12-2014

Cần ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ chương trình Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014, Vụ Công nghiệp nặng, Cục Xúc tiến thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức Hội thảo Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam”. Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều cơ quan ban ngành thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh phía Nam, các DN Nhật Bản, VN.
Cần ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa
Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội thảo, TS Dương Đình Giám -Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp khẳng định, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào CNHT từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Hình thành mạng lưới sản xuất nội địa với nhiều lớp cung cứng, gồm doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và chất lượng sản phẩm trong các lĩnh vực CNHT. Đồng thời ưu tiên phát triển các sản phẩm CNHT đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển CNHT, Bộ Công Thương có vai trò là cơ quan chủ trì, tổ chức công bố và chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch; Các bộ khác theo chức năng nhiệm vụ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cụ thể hóa các chính sách, giải pháp cho phát triển CNHT; UBND các tỉnh thành phố sẽ là cơ quan phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, chương trình phát triển CNHT được thực hiện đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp.

 

Khẳng định vai trò của CNHT, ông Trương Thanh Hoài – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng là “CNHT nền tảng kinh tế đất nước, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Coi CNHT quyết định giá thành sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng tính năng động và tự chủ cho nền kinh tế”.

 

Từ thực tế đang diễn ra, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam đó là việc các doanh nghiệp sản xuất CNHT mới hình thành, trình độ sản xuất chưa cao; năng lực sản xuất chưa đáp ứng được với yêu cầu sản xuất CNHT. Cũng theo ông Hoài, liên quan đến phát triển CNHT, hiện Bộ Công Thương cũng đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển CNHT đồng thời sẽ phát động, xây dựng chương trình quốc gia, trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ… để triển khai đồng bộ ở trung ương và địa phương.

 

Tại hội thảo, bà Bùi Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã cung cấp những thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển CNHT, một số hoạt động đang triển khai và chia sẻ một số kinh nghiệm thành công của các nước.

 

Đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo, ông Hirotaka Yasuzumi – giám đốc điều hành JETRO Văn phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào CNHT ở Việt Nam nhưng “nếu so sánh với Thái Lan, Indonesia tỷ lệ cung ứng của các doanh nghiệp bản địa Việt Nam là thấp”. Ông Hirotaka Yasuzumi cũng đưa ra các lý do ngành CNHT ở Việt Nam chưa phát triển, đó là việc vốn đầu tư chưa đến được với doanh nghiệp, việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đầy đủ, thiếu sót của chính sách, không gặp được các doanh nghiệp Việt Nam ưu tú và chưa có thị trường rộng lớn. Từ những lý do này, vị giám đốc người Nhật Bản cũng đóng góp nhiều giải phát phát triển CNHT ở Việt Nam như hỗ trợ về vốn, nhân lực, liên kết các thị trường lớn…

 

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng góp một số giải pháp như nên thành lập một cơ quan đầu mối tập trung đủ thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề về đầu tư ngành CNHT, tạo điều kiện để học hỏi các nước có kinh nghiệm. Đồng thời tạo điều kiện về nguồn vốn cho các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học – công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

 

PV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang