Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp dệt may, trong đó có 650 DN nước ngoài, số doanh nghiệp may chiếm 70%, dệt chiếm 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%. Bức tranh toàn cảnh của ngành là gần 4.000 cơ sở chỉ thực hiện khâu cuối cắt-may và hoàn thiện. Khoảng 70% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức này. Trong khi đó, lợi nhuận cao nhất của ngành đến từ thiết kế mẫu, cung cấp nguyên phụ liệu và thương mại.
Áp lực lớn nhất
Khi tham gia TPP, dệt may được hưởng thuế suất 0%. Thế nhưng, những lợi ích kỳ vọng về xuất khẩu của dệt may Việt Nam, cũng như hầu hết các loại sản phẩm phi nông sản khác, hầu như đều “đặt cược” cả vào kết quả đàm phán về quy tắc xuất xứ.
Quy tắc xuất xứ đòi hỏi tính nội khối rất cao và nếu không có một chính sách phù hợp để hạn chế tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu, chỉ có rất ít hàng hóa của Việt Nam có hy vọng được hưởng thuế suất ưu đãi theo TPP. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu còn ảnh hưởng tới các đơn đặt hàng về thời gian, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Có thể nói, áp lực lớn nhất của ngành dệt may là chưa tạo được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Khó khăn nữa của dệt may là thiết bị và công nghệ đều phải nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được. Nhiều doanh nghiệp đã có đầu tư lớn nhưng cũng vẫn chưa đồng bộ. Có những loại máy móc thiết bị đã quá lạc hậu nhưng còn được tận dụng nên năng suất không cao.
Trình độ thiết kế thời trang vẫn còn non kém, không thể đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh, chưa có những trường dạy chuyên nghiệp, lực lượng những nhà thiết kế trẻ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi của người tiêu dùng. Cả nước có hàng chục địa chỉ đào tạo nhà thiết kế thời trang nhưng rất tiếc chưa có nơi nào đào tạo nhà tiếp thị thời trang chuyên nghiệp.
Việt Nam cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho ngành dệt may nên chưa có hệ thống các kênh phân phối rộng khắp, kể cả thị trường nội địa và nước ngoài mà chỉ có các cửa hàng của công ty tự lập để tiêu thụ sản phẩm.
Các công ty không có sự phối hợp với nhau trong việc quảng cáo để cạnh tranh trong nội bộ tại thị trường trong nước, khả năng tự thiết kế còn yếu, phần lớn là làm theo mẫu mã đặt hàng của phía nước ngoài để xuất khẩu.
Ngành dệt may chưa tập trung nghiên cứu và đầu tư nhu cầu thị trường nên nhiều phân khúc thị trường còn bỏ trống cho nhiều sản phẩm ngoại. Một số sản phẩm có chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật nhưng lại không có mặt tại thị trường trong nước, “bỏ quên” hàng triệu khách hàng tiềm năng.
Chi phí cho nhân công rẻ nhưng chi phí bình quân/1 đơn vị sản phẩm vẫn cao. Đồng thời hệ thống tiêu chuẩn chất lượng chưa được chuẩn hóa trong ngành nên mỗi công ty có định mức về tiêu chuẩn khác nhau mà không thống nhất trong toàn ngành.
Đây là những thách thức lớn với ngành dệt may, bên cạnh những lợi thế như giá nhân công rẻ, người lao động cần cù chăm chỉ và khéo léo. Ngành may mặc Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng cao, số lượng các công ty liên tục tăng qua các năm và quy mô của công ty ngày càng lớn. Một số thương hiệu được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước, tuy chưa nhiều.
Những giải pháp quyết định
Từ thực tế nói trên, có thể thấy có 5 vấn đề mang tính quyết định tới sự thành bại của dệt may Việt Nam trong hội nhập.
Đổi mới công nghệ
Đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ là nhân tố đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của ngành dệt may. Tập trung các dự án đầu tư mới, với quy mô đủ lớn, đủ tiềm lực về vốn để tiếp cận công nghệ hiện đại tiên tiến nhất.
Cung ứng đạt tiêu chuẩn khách hàng
Các công ty của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn vẫn đang còn nhiều vấn đề lớn mà các doanh nghiệp cần cố gắng hơn nữa. Muốn như vậy, uy tín của doanh nghiệp với khách hàng phải đặt lên hàng đầu. Tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao trình độ cho người lao động, quán triệt tới các công nhân về chất lượng của sản phẩm. Mỗi lô hàng xuất đi cần phải kiểm tra cẩn thận, kỹ lưỡng hơn. Doanh nghiệp dệt may cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO, tiêu chuẩn SA 8000… để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là đối với thị trường Hoa Kỳ.
Phát triển lĩnh vực thiết kế
Muốn phát triển được lĩnh vực này một cách có hiệu quả, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Về phía doanh nghiệp, cần tăng tỷ lệ xuất khẩu dưới hình thức FOB (tham gia vào khâu ý tưởng thiết kế). Nghiên cứu các thiết kế sản phẩm mới mang những nét đặc trưng riêng. Sản xuất các sản phẩm có sự khác biệt hóa cao, có tính độc đáo, hiện đại và đẳng cấp. Nắm bắt được xu thế thời trang của thế giới. Phát triển thị trường thời trang Việt Nam tại các đô thị và các thành phố lớn.
Để đào tạo được những nhà thiết kế giỏi, chuyên nghiệp không phải là chuyện dễ dàng, vì thế, các doanh nghiệp cần tăng cường ký kết các thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực dệt may, mời các chuyên gia thiết kế nước ngoài sang hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong khâu thiết kế và đào tạo. Đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo nhà thiết kế với chất lượng cao.
Phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu
Ngành dệt may phải có quy hoạch vùng nguyên liệu. Vinatex đang xây dựng 4 khu công nghiệp dệt, nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Long An và Trà Vinh nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.
Xây dựng mạng lưới phân phối
Để có thể triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp may Việt Nam cần phải liên kết với nhau về nhân lực và tài chính, với trung tâm là Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Mục tiêu trước mắt là tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để giới thiệu các thương hiệu doanh nghiệp có tiếng với các mẫu mã chất lượng cao đã từng gia công cho khách nước ngoài, nhằm tìm kiếm các nhà buôn trực tiếp mà không cần qua khâu môi giới.
Xây dựng các tổ chức marketing và hỗ trợ tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế để tăng khả năng tiếp cận với các người mua tiềm năng. Tìm kiếm và tận dụng những cơ hội để làm việc trực tiếp với các khách hàng cuối cùng; xây dựng thương hiệu mạnh riêng cho ngành dệt may Việt Nam.
Tóm lại, phải khẳng định cơ hội rất lớn của dệt may Việt Nam trong TPP. Nhưng nếu không nỗ lực hết mình thì rất có thể dệt may Việt Nam sẽ thua ngay khi TPP bắt đầu có hiệu lực. Điều này đòi hỏi sự đầu tư công sức của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần tìm được hướng đi phù hợp nhất. TPP là cơ hội, là động lực để các doanh nghiệp thay đổi một cách toàn diện tư duy “gia công” để không bị mất thị phần ngay trên sân nhà và từ đó tiến ra biển lớn.
TS. Trần Thanh Toàn
Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Lao động-Xã hội
Nguồn: Chinhphu.vn