Chỉ với vài nghìn đồng là có thể mua được một chiếc bát ăn cơm hoặc chiếc đĩa nhỏ. Khá nhiều loại bát đĩa không rõ nguồn gốc được trà trộn với giá rẻ mạt đáng ngờ. Tại Hà Nội, dễ dàng tìm mua bát đĩa bằng sứ đủ các thể loại được bán dọc các vỉa hè phố Hào Nam, Nguyễn Xiển... hoặc các hàng gốm sứ rong. Ngoài ra, tại nhiều chợ, thậm chí cả trong một số siêu thị, các mặt hàng bát đĩa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng cũng được bày bán tràn lan. Bên cạnh các hàng sản xuất thủ công ở các lò nung nhỏ lẻ còn có các mặt hàng nhập lậu qua biên giới. Với lợi thế giá thành rẻ, mẫu mã đẹp mắt các mặt hàng gốm sứ này đang thu hút được sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, những chiếc bát này lại chính là nguồn độc hại vô cùng nguy hiểm đối với người sử dụng bởi hàm lượng chì trong loại bát này ở mức cao kỉ lục và gây ra nhiều nguy cơ khó lường cho con người.
Theo các chuyên gia trong ngành gốm sứ, đối với những sơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn thì sản phẩm gốm dùng để chứa thức ăn, nước uống phải được nung trong nhiệt độ tiêu chuẩn 1.200oC, còn sản phẩm sứ là 1.300oC. Với nhiệt độ tiêu chuẩn sẽ nung chảy nguyên liệu đất, đá, men và kết nối thành khối đồng nhất. Ở nhiệt độ cao này sẽ đánh bật các kim loại nặng kể cả chì, bốc hơi bay ra bên ngoài nên sản phẩm tạo ra sẽ không bị nhiễm độc tố. Trong khi những cơ sở sản xuất không đúng kỹ thuật nung ở nhiệt độ thấp nên các kim loại nặng vẫn tồn tại trong sản phẩm, cũng như kết cấu nguyên liệu lỏng lẻo sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất độc khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống trong nhiệt độ cao.
Bên cạnh đó, các loại bát đĩa càng nhiều màu sắc, hoa văn càng có nguy cơ độc hại bởi kim loại nặng có nhiều ở các chất tạo màu được sử dụng trang trí trên sản phẩm gốm sứ. Theo đại diện một công ty chuyên sản xuất gốm sứ cho biết: “Để màu sắc vẫn giữ vẻ bắt mắt trên bề mặt sản phẩm, nhà sản xuất buộc phải nung ở nhiệt độ thấp nên hàm lượng chì và kim loại nặng trong màu vẫn còn. Bên cạnh đó, hoa văn bên trên lớp men phần lớn không an toàn cho người sử dụng, nhà sản xuất dùng hình ảnh decal dán lên sản phẩm rồi nung thêm một lần nữa ở nhiệt độ thấp nên chất tạo màu, kim loại nặng hiện diện ngay trên bề mặt sản phẩm gây nguy hiểm cho người sử dụng”.
Cảnh báo về tác hại do sử dụng đồ gốm sứ kém chất lượng, chuyên gia cho biết lớp men trên sản phẩm kém chất lượng dễ bị mài mòn, chì sẽ thôi nhiễm vào thức ăn. Kim loại nặng có trong màu sắc khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có tính axít cũng dễ dàng thôi nhiễm và đi vào cơ thể. Trẻ em nhiễm chì có thể bị ảnh hưởng ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học. Khi trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về hành vi học tập, IQ thấp. Còn đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương, nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non. Chì tích tụ trong cơ thể lâu ngày có tác động lên hệ tim mạch làm tăng huyết áp, suy giảm chức năng gan và thận.
Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe, người dùng không nên sử dụng bát, đĩa, cốc, chén không rõ nguồn gốc xuất xứ mà nên chọn những sản phẩm trơn, một màu thay vì những loại đồ dùng có dán nhiều loại đề can hay có nhiều hoa văn họa tiết sặc sỡ, khi thấy bát đĩa bị sần sùi, bong tróc lớp men hoặc bị rạn thì nên thay mới. Ngoài ra, có những mẹo để phân biệt sản phẩm có bị nhiễm chì hay không, đó là khi đi mua các đồ dùng bằng gốm sứ nên mang theo một ít dấm ăn. Cho dấm ăn vào sản phẩm định mua, nếu sản phẩm có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm đổi màu thì không mua. Hoặc có thể cho một ít nước vào chỗ không tráng men, nếu sản phầm hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt, nếu bát không hút nước là bát tốt.
Bảo Kiên