Vậy làm gì để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo, nhóm phóng viên chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu để có cái nhìn tổng quan nhất, phần nào giúp bạn đọc có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình.
Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 70 triệu tài khoản Zalo và hơn 64 triệu tài khoản xã hội Facebook với hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng, chiếm 1/3 dân số. Với số lượng người sử dụng khổng lồ như vậy, đây đang là mảnh đất màu mỡ để tội phạm mạng thực hiện các hành vi phạm tội. Dù những chiêu lừa không mới và hết sức đơn giản nhưng vì đánh trúng lòng tham của người dân nên nhiều người vẫn bị sập bẫy.
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất của trò lừa đảo qua mạng hiện nay là nhắn tin giả danh công ty, nhà mạng trúng thưởng với các giải thưởng vô cùng hấp dẫn như: Trúng thưởng ô tô Camry, xe máy SH, xe Liberty, tặng 100 triệu đồng hoặc một năm sử dụng xăng miễn phí…, để nhận được giải thưởng, người dùng phải nạp một số tiền nhất định vào tài khoản của chúng để làm hồ xơ, thủ tục nhận giải. Nhiều người đọc xong tin nhắn nghĩ rằng đó là thật nên đã vội vàng chuyển tiền rồi mới biết bị lừa.
Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Trọng (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), kẻ xấu đã lập hẳn trang Web lừa đảo để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, trong một lần đang lướt Facebook, anh Trọng bất ngờ nhận được tin nhắn từ hệ thống Messenger thông báo đã trúng giải nhất chương trình “Tri ân khách hàng quý III/2017 của hệ thống Facebook Messenger Việt Nam”. Tin nhắn cung cấp cho anh mã dự thưởng TN5257 và hướng dẫn truy cập vào Website Phanquafa.com để tiến hành làm thủ tục nhận giải thưởng gồm 1 xe máy SH 150i VN, 100 triệu đồng tiền thưởng và 1 thẻ sử dụng xăng miễn phí. Do tin tưởng, anh đăng nhập vào trang web trên thì thấy các thông tin về bản thân hiện lên khá đầy đủ, rõ ràng.
Anh Trọng chia sẻ: “Tôi cũng biết tình trạng lừa đảo qua Facebook nhưng trang Web này với nhiều thông tin đầy đủ, công phu quá nên lúc đầu tôi không nghĩ bị lừa. Thậm chí họ còn đưa cả tên, tuổi, chứng minh thư của nhân viên lên Web và hình ảnh của những người đã được nhận thưởng. Sau khi tôi điền đầy đủ thông tin cá nhân như email, số điện thoại, địa chỉ nhà, trang Web yêu cầu phải nộp 2 triệu đồng bằng thẻ nạp điện thoại để tiến hành làm hồ sơ, thủ tục nhận giải thưởng. Đến lúc này tôi mới vỡ lẽ rằng, tất cả các thao tác trên chỉ nhằm lấy lòng tin của khách hàng, còn mục đích chính vẫn là lừa tiền qua hình thức nạp thẻ cào điện thoại”.
Một thủ đoạn khá phổ biến nữa là việc nhiều đối tượng đã giả danh nhà mạng nhắn tin khuyến mãi “siêu khủng”. Với thủ đoạn này, các đối tượng nhắn tin thường giả danh là con, cháu của các lãnh đạo cao cấp tại các nhà mạng lớn như Mobifone, Vinaphone, Viettel tiết lộ cách thức nạp thẻ được khuyến mãi lên tới 100% hoặc 500% số lượng tiền nạp, khiến nhiều người tưởng thật, có người đã nạp đến vài triệu đồng và đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Ngoài ra, thủ đoạn trộm cắp tài khoản Facebook, Zalo và mạo nhận là người thân rồi yêu cầu giúp đỡ bằng cách nạp tiền, mua thẻ cào nạp vào số điện thoại. Người bị hại tưởng người thân của mình đang gặp khó khăn nên đã nạp tiền và bị chiếm đoạt tài sản; hay thủ đoạn giả là người nước ngoài làm quen rồi tặng quà. Với thủ đoạn này, các đối tượng là người nước ngoài hoặc giả làm người nước ngoài làm quen với nhiều phụ nữ Việt Nam qua mạng. Nhận thấy các con mồi phát sinh tình cảm thì các đối tượng tiến tới tặng quà gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Khi những người này chuẩn bị nhận quà, các đối tượng gọi điện giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền lệ phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn rồi khách hàng mới nhận được món quà của bạn trai từ nước ngoài gửi về.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, ở Việt Nam có tới hơn 1/3 dân số sử dụng các trang mạng xã hội và chủ yếu là Facebook, Zalo, Viber… Các đối tượng lừa đảo chủ yếu đánh vào sự tò mò và lòng tham của nạn nhân. Tùy theo từng phương thức thủ đoạn khác nhau, chúng đánh vào những người bị hại có trình độ khác nhau. Do lừa đảo qua mạng nên các đối tượng lừa đảo không ở một khu vực địa lý cụ thể nào nên người bị lừa cũng có thể ở bất cứ đâu và không cụ thể ở nhóm người nào. Tuy nhiên, dù thủ đoạn tinh vi như thế nào thì các đối tượng vẫn để lại các vết tích trên mạng nên cơ quan công an có thể điều tra, xác minh để giải quyết, xử lý vụ việc.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng. Người dân nếu không may mắc phải chiêu lừa đảo của các kẻ xấu cần đến ngay cơ quan công an trình báo để được giúp đỡ và phối hợp điều tra, làm rõ.
Anh Tuấn