Giữa tháng 4/2021, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo lừa đảo liên quan việc mua bán hoa lan đột biến.
Ngày 19/4, công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang điều tra, xác minh 6 đơn trình báo về việc bị lừa đảo khi mua hoa lan đột biến. Theo đó, những người này tường trình bị lừa tổng cộng 4 tỷ đồng. Người bỏ tiền ít nhất là 85 triệu, nhiều nhất là gần 2,3 tỷ đồng. Trong đơn tường trình, họ cho biết đã tiến hành mua lan đột biến qua mạng xã hội Facebook. Bên bán gửi hình ảnh, video hoa lan đột biến cho người mua. Sau đó, hai bên chốt giá và giao dịch online.
Khi phát hiện bị lừa, bên mua không thể tìm gặp người bán vì không rõ lai lịch, địa chỉ. Quá trình giao dịch, nhiều người đã vay mượn hoặc quyên góp tiền để mua hoa lan. Lực lượng chức năng đã xác định được một số người liên quan nhưng chưa thể làm việc do họ không có mặt ở địa phương.
Trước đó, anh Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Phúc) cũng trình báo Công an huyện Hoài Đức về việc bị lừa đảo khi mua lan đột biến. Theo anh Sự, thông qua mạng xã hội và người quen, anh biết đến các vườn lan ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), huyện Chương Mỹ (Hà Nội)… Dù đã đến tận vườn để kiểm tra nhưng khi mua lại và bán cho khác, anh Sự ngã ngửa khi đó không phải là lan đột biến. Chủ vườn khi đó hứa sẽ mua lại những gốc hoa không phải đột biến nhưng sau đó thì cắt đứt liên lạc. Trước đó, anh Sự đã phải nhập lại các gốc hoa không không phải đột biến từ khách với giá ước chừng 5 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cảnh báo tội phạm lừa đảo lan đột biến thường dùng thủ đoạn dựng lên giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người từ các nơi về đầu tư hoa lan đột biến để đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của người dân.
Việc mua bán lan đột biến với giá hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng đang diễn ra ngày một nhiều và tạo thành “cơn sốt” ở nhiều địa phương. Trong khi đó giao dịch lan đột biến đang bộc lộ nhiều kẽ hở, dễ dẫn đến rủi ro, lừa đảo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các hoạt động mua bán, giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến diễn ra chủ yếu trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Đáng nói việc mua bán lan đột biến lên đến hàng chục, trăm tỷ chủ yếu chỉ dựa vào niềm tin, uy tín và không có cơ sở pháp lý nào ràng buộc.
Cụ thể, khi một chủ vườn livestream đăng bán, đấu giá hình ảnh cây lan đột biến trên mạng xã hội, nếu người mua ưng ý sẽ chốt giá, đặt cọc và chuyển tiền qua tài khoản. Khi nhận được cây, khách hàng sẽ thanh toán hết số tiền còn lại. Thông thường, giá bán do chính chủ vườn đưa ra dựa trên độ lạ và “độc” của loại lan đột biến đó.
Nhiều người bán còn tạo dựng tên tuổi bằng cách thuê đất, thuê nhà dựng vườn lan hoành tráng, thường xuyên đăng hình ảnh giao lưu, trao đổi với những người nổi tiếng trong cộng đồng chơi lan. Thậm chí họ còn nghĩ ra cách tổ chức những cuộc chuyển nhượng với những cọc tiền mặt xếp chồng nhau để thu hút sự chú ý. Mục đích duy nhất của họ là để “phô trương thanh thế” và thổi giá lan đột biến.
Thủ đoạn tinh vi này của các “cò” đã khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy đầu tư hòng kiếm bộn lời. Nhưng những người chơi hoa ít kinh nghiệm thường xuyên phải đối diện với cảnh dở khóc dở cười vì những bông hoa lan “chẳng thấy đột biến gì”, trái ngược hoàn toàn với những lời quảng cáo rầm rộ trăm tỷ. Chưa kể nhiều đối tượng còn sử dụng những biện pháp vô cùng tinh vi khác như tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán để lừa đảo, chiếm đoạt của người mua hàng tỷ đồng.
Trước thực trạng nhiều người bị lừa khi mua lan đột biến, cơ quan chức năng khuyến cáo trước khi mua bán, trao đổi người tiêu dùng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ, phải yêu cầu bên bán có hợp đồng bảo lãnh giống chặt chẽ tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, bên bán cần có những cam kết đảm bảo đúng giống, chất lượng, cả việc hướng dẫn cho người mua các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lan đó.
Lê Phương