Chị Quỳnh An (Phú Mỹ, Mỹ Đình, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Mấy hôm nay điện thoại tôi có nhiều số lạ gọi, lúc thì tư vấn thuốc gia truyền chữa sâu răng, lúc lại có người gọi tư vấn về thực phẩm hỗ trợ giảm cân có nguồn gốc từ thảo dược rất an toàn cho sức khỏe…người gọi xưng là nhân viên của một nhà thuốc Đông y gia truyền tại Hà Nội mà tôi không nhớ tên”.
Đây là tình trạng không chỉ riêng chị An, mà còn rất nhiều khách hàng khác cũng bị làm phiền bởi những cuộc gọi tư vấn bán hàng “trời ơi đất hỡi” này. Cục ATTP xác nhận, đơn vị đã bắt và xử lý nhiều vụ như vậy, thậm chí người gọi còn gọi điện tư vấn cho người tiêu dùng nhưng với giọng điệu mang tính hù dọa trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.
Điều đáng nói, một số trường hợp nhân viên tư vấn buôn bán các sản phẩm liên quan đến sức khỏe nhưng chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám chữa bệnh cùng với lời quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm được “thần thánh hóa” có thể chữa được một số bệnh hiểm nghèo như ung thư, tai biến mạch máu não… Thậm chí, trên một số trang mạng xã hội, người bán còn quảng cáo sản phẩm dưới các hình thức như: Thư cảm ơn của bệnh nhân; dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo sản phẩm; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo... nhằm thu hút sự chú ý, đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Những chiêu thức như không cung cấp thông tin, địa chỉ của nơi sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng qua hình thức chuyển phát đã cho thấy mức độ tinh vi của người bán hàng.
Rõ ràng, tình trạng giả danh các nhà thuốc và dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại hoặc quảng cáo trên mạng xã hội với những thông tin không đúng sự thật đã gây hoang mang, ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý người tiêu dùng. Chưa kể, các sản phẩm được quảng cáo có thể là những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng không những không chữa được bệnh mà còn “chữa lợn lành thành lợn què”.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình trạng buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe online không đảm bảo an toàn, đồng thời kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 về đẩy mạnh, thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc các công ty kinh doanh có rất nhiều "mánh khóe" nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn. Trong khi đó, việc quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Chính vì thế, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với thủ đoạn mạo danh các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Đồng thời yêu cầu người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm được quảng cáo theo hình thức này.
Bảo Kiên