Thứ Hai, 25/11/2024 02:09:58 GMT+7
Lượt xem: 4185

Tin đăng lúc 25-04-2017

Cảnh giác với những sản phẩm “tự phong” thực phẩm hữu cơ

Trước tình hình thực phẩm bẩn chưa được ngăn chặn hữu hiệu trên thị trường như hiện nay thì việc sử dụng thực phẩm hữu cơ là sự lựa chọn tốt cho người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý, khi nhiều loại “thực phẩm hữu cơ” có sự mập mờ...
Cảnh giác với những sản phẩm “tự phong” thực phẩm hữu cơ

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã cho biết như trên và theo ông: “Chúng tôi thật sự e ngại khi báo chí thông tin, thị trường đang tràn lan nhiều loại thực phẩm được gọi là hữu cơ nhưng chưa có cơ quan quản lý, tổ chức nào giám sát, chứng nhận; trong khi bộ quy chuẩn thế nào là thực phẩm hữu cơ cũng chưa ai rõ…”.

 

Thực phẩm hữu cơ (Organic) được hiểu là loại thực phẩm được sản xuất, nuôi trồng, chế biến, bảo quản với một quy trình cực kỳ nghiêm ngặt mà không được sử dụng bất cứ hóa chất nào; nhằm mang lại giá trị dinh dưỡng cao, an toàn, phục vụ tốt cho sức khỏe của NTD.

 

Luật sư Trần Hải Đức cũng cảnh báo, hiện có nhiều doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất kinh doanh các mặt hàng như sữa bò, rau, lúa, chè, hoa quả… “tự phong” sản phẩm của mình là thực phẩm hữu cơ. Tương tự, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm cũng tự trưng bảng hiệu “cửa hàng thực phẩm hữu cơ”, “cửa hàng thực phẩm dinh dưỡng siêu sạch”… Do đó, NTD rất khó phân biệt được đâu là thực phẩm hữu cơ. Thực tế, đã có nhiều loại hàng hóa, phần trên bao bì ghi là sản phẩm hữu cơ, nhưng phần dưới lại dán tem chứng nhận VietGAP. Đây có thể được coi như là một sự “mập mờ”. Bởi tiêu chuẩn hữu cơ là tiêu chuẩn cao nhất và toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; trong khi, tiêu chuẩn VietGAP chỉ đơn thuần là tiêu chuẩn an toàn...

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), hiện mới chỉ có 30/63 tỉnh và thành phố triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Ngoài ra, chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nông sản hữu cơ có trang trại được một số tổ chức nước ngoài chứng nhận. Bộ NN-PTNT đang xin Chính phủ cho phép Bộ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025, cũng như xây dựng hành lang pháp lý để công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhằm thu hút đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ phát triển.

 

Theo luật sư Trần Hải Đức, một số tiêu chuẩn “hữu cơ” do những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam áp dụng hiện nay đã được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế như Control Union, IFOAM… và, đây là những tổ chức độc lập, việc thẩm định và cấp chứng nhận dựa trên uy tín của họ chứ không phụ thuộc vào sự công nhận của chính quyền địa phương hay các hiệp hội trong nước.

 

Vì vậy, tại Việt Nam cần có những quy định cụ thể của Nhà nước về chứng nhận hữu cơ và kiểm soát sản phẩm hữu cơ trước khi đưa ra thị trường. Hơn nữa, vấn đề này cần có sự quản lý minh bạch để vừa bảo đảm quyền lợi NTD, vừa bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính; tránh tình trạng “mập mờ” nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, gây mất niềm tin của NTD.

 

Nguồn Người tiêu dùng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang