Điều này, khiến không chỉ người nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp SXKD phân bón làm ăn chân chính chịu rất nhiều thiệt hại.
Thực trạng đáng báo động
Dạo quanh thị trường, nhất là các vùng ngoại thành Hà Nội chuyên làm công tác nông lâm nghiệp, hỏi về vấn đề phân bón giả, nhiều người dân rất quan ngại và có những câu chuyện thực tế thật đáng buồn.
Anh Nguyễn Hữu Đường ở huyện Thanh Oai cho biết, năm 2015, gia đình anh làm ăn bị thất bát, rơi vào hoàn cảnh cùng cực cũng chỉ vì mua phải phân bón giả. Nhà anh có 2ha trồng lúa, 1ha trồng rau sạch. Nghe lời quảng cáo ngon ngọt của một Đại lý về loại phân bón mới, sản xuất theo công nghệ của châu Âu, cho năng suất cao, an toàn, thậm chí được khuyến mại rất hấp dẫn, anh đã bàn với vợ vay ngân hàng trên 30 triệu đồng để mua trọn gói lô phân bón của Đại lý đó. Nào ngờ, gần tới vụ thu hoạch, lúa vẫn lép kẹp, rau thì còi cọc, dẫn tới mất mùa. Sự việc đã đẩy gia đình anh lâm vào cảnh nợ nần, vợ chồng lục đục, phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi để trả nợ và trang trải cuộc sống. Đến nay, hoàn cảnh kinh tế và gia đình vẫn chưa được ổn định. Nghĩ lại, anh lắc đầu ngao ngán…
Anh Đường chỉ là một trong số rất nhiều nông dân ở Hà Nội gặp tai họa do mua phải phân bón giả. Tại Đông Anh, chị Trần Thị Hoa làm kinh tế vườn bức xúc: “Nhà nông chúng tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Khổ là vậy, mà vẫn bị các đối tượng gian thương lợi dụng. Chúng tôi được biết, hiện nay, phân bón giả, nhái, kém chất lượng bị các đối tượng làm giả rất tinh vi, nhất là về thành phần dinh dưỡng của phân bón. Chẳng hạn, tổng 3 chất dinh dưỡng quy định phải đạt trên 70%, nhưng vì đạm và kali có giá cao, nên các đối tượng hạ tỷ lệ hai thành phần trên và tăng tỷ lệ lân (giá rẻ) so với công bố tiêu chuẩn. Do đó, phân bón rất khó xác định thế nào là bảo đảm chất lượng hay không. Với sản phẩm kém chất lượng hay nhái đó, chỉ khi bón xuống đất và đợi đến mùa thu hoạch mới kiểm chứng rõ được. Mà đợi đến lúc đó thì đã muộn. Vì ham rẻ, gia đình tôi đã từng mua phải sản phẩm như thế…".
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Công nghiệp Tiêu dùng, nạn phân bón giả còn gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất chân chính, trung bình gây tổn thất 10 – 15% tổng doanh thu của các doanh nghiệp. Các đối tượng làm hàng giả, nhái, kém chất lượng đánh lừa các đại lý, người tiêu dùng bằng rất nhiều thủ đoạn như: trộn sản phẩm giá rẻ với sản phẩm có thương hiệu, chiết khấu hoa hồng cao, nhãn mác bao bì na ná nhau, nhập nhèm về tỉ lệ thành phần… Ví dụ, nhiều cơ sở sản xuất, lợi dụng người nông dân ít hiểu biết, cả tin, đã thổi phồng sự thật, cố tình không in nhãn mác phụ, hoặc dùng toàn chữ nước ngoài. Thậm chí, có những cơ sở đã trộn đất sét, hoặc mua phân bón không rõ nguồn gốc rồi đóng gói, dán nhãn mác giả cơ sở có uy tín, bán ra thị trường kiếm lời. Những loại phân bón này không những không có giá trị dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn làm “bê tông” hóa, hoang hóa đồng ruộng, phá hoại môi sinh...
Lực lượng chức năng bắt giữ một lô phân bón giả, kém chất lượng
Trước vấn nạn phân bón nói trên, các Bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan đã và đang đưa ra những giải pháp kiểm soát gắt gao. Tuy nhiên, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cũng cần lưu ý:
Một số lưu ý, phân biệt khi mua phân bón
Các loại phân bón giả, nhái, kém chất lượng thường gặp trên thị trường hiện nay là phân bón hỗn hợp như: DAP, NPK và một số loại phân phối trộn khác.
Nếu bằng kinh nghiệm, chúng ta chỉ có thể nhận biết được phần nào các dấu hiệu hàng giả. Ban đầu, nếu nghi ngờ là phân bón giả, nhái, kém chất lượng thì nên gọi điện thoại trực tiếp cho Công ty sản xuất hoặc đơn vị phân phối theo số điện thoại in trên bao bì để hỏi thông tin về sản phẩm, hỏi về hiện tượng mà chúng ta đang gặp phải để được giải đáp. Nếu liên lạc mà nhà sản xuất, đơn vị phân phối từ chối trả lời hoặc có trả lời nhưng không rõ ràng và không giải tỏa được nghi ngờ thì chúng ta hãy báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương trợ giúp như: quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp, hội bảo vệ người tiêu dùng,...
Hơn nữa, để có thể phân biệt một loại phân bón nào đó là thật hay giả cần dựa vào đặc tính cụ thể của loại phân đó. Mỗi loại phân bón có các đặc tính lý, hóa, cơ học... khác nhau nên sẽ có phương pháp nhận biết khác nhau. Để đảm bảo kết quả chính xác, người tiêu dùng cần phải lấy mẫu, phân tích tại các cơ quan chuyên môn. Chú ý, không nên để lộ thông tin về sản phẩm để tránh trường hợp cơ sở thẩm định “có thể” bị mua chuộc hay móc ngoặc lợi ích với gian thương...
Nam Hà