Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phân bón dởm gây nhức nhối cho người nông dân đã nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn đang tiếp tục xẩy ra và người trồng tỉa khó tránh vì mức độ làm giả của các loại phân bón rất tinh vi. Các loại phân bón giả, kém chất lượng đang lưu thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chủ yếu là làm giả các nhãn hiệu, sản phẩm chất lượng kém không đúng với hàm lượng đã công bố trên bao bì. Phân bón giả, kém chất lượng được quảng cáo rất kêu với đủ chức năng trên bao bì nhưng thực chất là đất bùn, xơ dừa trộn với một ít phân hóa học bằng công nghệ “cuốc xẻng” và tung ra thị trường.
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - Nguyễn Minh Toại - người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thường có thói quen đặt hàng mua trọn gói phân bón và trả chậm cho cả mùa vụ từ các đại lý kinh doanh phân bón. Trong số phân bón đã hợp đồng mua, các đại lý đã trộn lẫn phân bón giả, kém chất lượng với phân bón chất lượng để cung cấp cho người nông dân và rất ít người mua phân bón phát hiện được sự thật giả này.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho biết, địa bàn Long An là vựa nông sản lớn của cả nước, nơi đây cũng là thị trường lớn của các loại phân bón giả, kém chất lượng. Mặc dù các cơ quan chức năng luôn tích cực kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán phân dởm vẫn tiếp tục xẩy ra trên diện rộng. Cụ thể, trong tháng 7/2018, Chi cục QLTT tỉnh Long An đã xử lý 8 trường hợp kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, 4 vụ kinh doanh phân bón giả, 1 vụ kinh doanh phân bón giả nhãn hiệu và 12 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Trong tháng 8/2018, phát hiện 9 vụ kinh doanh có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Cũng trong tháng 8/2018, Thanh tra ngành nông nghiệp tỉnh Long An phát hiện 1 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh, 1 vụ kinh doanh phân bón giả và bị phạt 38 triệu đồng.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất và buôn bán các loại phân bón lớn nhất nước, trong đó có các mặt hàng phân bón dởm. Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có gần 500 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, chiếm gần phân nửa trong số này là hoạt động thương mại. Trong nửa đầu năm 2018, lực lượng 389 TP. Hồ Chí Minh kiểm tra các hoạt động sản xuất và buôn bán phân bón, phát hiện 28 vụ vi phạm hành chính, 5 vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự. Đơn cử, ngày 31/7 vừa rồi, trên sông Soài Rạp, huyện Cần Giờ, Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh kiểm tra và phát hiện một chiếc sà lan vận chuyển gần 500 tấn phân bón không rõ nguồn gốc, chứng từ mua bán. Ông Phạm Công Bằng, điều khiển sà lan khai nhận vận chuyển lô phân bón này từ TP. Hồ Chí Minh đưa về tỉnh Long An tiêu thụ.
Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu giữ 15 lô hàng với hơn 680 tấn phân bón nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Điển hình như vụ 144 tấn phân bón, trị giá gần 600 triệu đồng của Công ty Cổ phần quốc tế C.S.V nhập khẩu không đạt chất lượng nhập khẩu theo quy định; hơn 100 tấn phân bón hữu cơ, trị giá trên 516 triệu đồng của Công ty TNHH TM Sản xuất V.A nhập khẩu không đạt tiêu tiêu chuẩn, chất lượng. Các công ty nhập khẩu phân bón bị phát hiện sai phạm hầu hết đã đưa ra thị trường tiêu thụ, do đó ngành hải quan thành phố đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra và xử lý.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chủ yếu cung cấp cho các địa phương khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng thanh kiểm tra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường chia nhỏ các công đoạn sản xuất (đấu trộn, đóng gói, dán nhãn...) ở nhiều địa điểm, đặt tại nhiều địa phương. Vì thế lực lượng chức năng chống hàng giả chỉ phát hiện được một vài công đoạn trong dây chuyền sản xuất nên chỉ xử lý hành chính.
Xà lan chở 500 tấn phân bón không có nguồn gốc, chứng từ vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đưa về Long An tiêu thụ bị Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh bắt giữ ngày 31/7/2018
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện tại cả nước có trên 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón, sản lượng đạt khoảng 11 triệu tấn/năm và có thêm 4 triệu tấn phân bón nhập khẩu. Trong số phân bón đã được người nông dân sử dụng hàng năm, tính hiệu qủa của cây trồng từ phân bón chỉ đạt 45- 50%, nguyên nhân do phân bón giả và kém chất lượng. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng đã trực tiếp gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Việt Nam mỗi năm tới 2- 2,5 tỷ USD. Chưa hết, lượng phân bón giả, kém chất lượng đã đổ xuống đồng ruộng hàng năm còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước, hệ sinh thái cây trồng và làm cho khả năng tái đầu tư vào sản xuất của người nông dân bị cạn kiệt, dẫn đến đói nghèo.
Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng là thực trạng cũ gây nhức nhối cho người trồng tỉa ở nước ta từ nhiều năm nay. Thị trường phân bón có nhiều thời điểm trở nên hỗn loạn, diễn biến phức tạp, ở nhiều địa phương phân dởm tồn tại năm nay còn tăng hơn năm trước mặc dù các cơ quan chức năng vẫn liên tục kiểm tra, xử lý.
Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phân bón Hiếu Giang (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CP về xử phạt hành chính với mức phạt tối đa cho một hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng cho tổ chức và xử lý hình sự nếu vi phạm nặng. Nghị định số 55 là đòn giáng mạnh vào vấn nạn làm phân bón giả, kém chất lượng hiện nay. "Luật mới cần được thực thi nghiêm túc và quyết liệt, đừng xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” như lâu nay vẫn làm", ông Đức mong muốn.
Nguồn Báo Công Thương