Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã đề ra nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thông báo về những nội dung chính trong phiên họp Chính phủ trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, khi đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do tác động của dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng, thể hiện rõ nét ở con số thiệt hại tới 30 tỷ USD doanh thu của ngành hàng không toàn cầu; 80 tỷ USD của ngành du lịch… bên cạnh đó, tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh, USD tăng giá tới 4% kể từ đầu năm; giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng…
Tương tự với Việt Nam, theo Thủ tướng, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất…
Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, “chống dịch như chống giặc”, hệ thống chính trị đã chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 một cách căn bản, đạt kết quả đáng mừng, Thủ tướng nói và nhắc lại việc đến nay, chúng ta đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người mắc bệnh. Đặc biệt, 18 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Theo Thủ tướng, đây là kết quả có được từ sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, đặc biệt là ngành y tế cũng như các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Về tình hình kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, tuy bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhưng cơ bản chúng ta giữ ổn định. Trong đó, xuất khẩu vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ, xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%, nhập siêu trong tầm kiểm soát. Lĩnh vực nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.
Đặc biệt, dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước và IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, tìm nguồn cung nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm
Trong khi đó, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đến ngày 20/2 tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06% so với cùng kỳ năm 2019, huy động vốn tăng tăng 14,15%.
“Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ” – ông Dũng nói và dẫn số liệu, 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ... cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỉ đồng…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng của một số ngành giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu,… trong khi đó nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng… Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid -19, nhất là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống...
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng tại nhiều quốc gia, vũng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia là thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống và trọng điểm của Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu… sẽ tác động trực tiếp đến nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào sản xuất trong nước và xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, bên cạnh các giải pháp đảm bảo cung - cầu nguyên liệu sản xuất, tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới thì việc xem xét, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn, thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm, khoanh… nợ thuế là cần thiết.
Theo Báo Công Thương