Thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cắt giảm các ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, DN thì đã chỉ ra những khó khăn mới trong những văn bản mới, tuy nhiên, tiến độ cắt giảm rất chậm và đến nay đang có dấu hiệu chững lại. Việc chậm trễ và thiếu thực chất này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của DN, mà nó còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đâu là điểm nghẽn cần tháo gỡ?
Năm 2018, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành đẩy mạnh cắt giảm các ĐKKD, thủ tục chuyên ngành, kết quả là ngay trong năm, nhiều ĐKKD đã được cắt giảm và đơn giản hóa, điển hình là đã sửa đổi bổ sung 82 văn bản về kiểm tra chuyên ngành và một số văn bản trong số đó đã giúp tháo gỡ một phần vướng mắc cho DN như Thông tư 07 của Bộ Khoa học & Công nghệ đã cắt giảm hơn 90% số mặt hàng kiểm tra chất lượng trước khi thông quan; hay Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm đã cắt giảm hơn 95% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm...
Mặc dù vậy, nhưng theo rà soát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản ĐKKD mới chỉ đạt khoảng 32%, trong đó có 2 Bộ vượt mức yêu cầu là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Y tế; 2 Bộ về cơ bản đạt yêu cầu là Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng, còn lại thì khá là chậm trễ. Tính đến tháng 5/2019, các Bộ đã cắt giảm 3.425/6.191 ĐKKD, cùng với đó là cắt giảm, đơn giản 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải văn bản nào cũng thực sự có lợi cho DN.
Điển hình có thể kể đến thủ tục kiểm tra Formaldehyde, trước kia, đây là thủ tục kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, mỗi lô hàng DN tốn 2,2 triệu đồng kiểm tra mẫu và thời gian là 1 ngày, nhưng tới nay, sau tuyên bố cắt giảm của Bộ Công Thương, thủ tục này chuyển sang kiểm tra sau thông quan, nhưng tổng chi phí DN phải trả là 7 triệu đồng và thời gian thực hiện tăng lên 3 ngày. Với kết quả cải cách thủ tục vậy đã mang lại sự thất vọng cho DN.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Thiên, việc cắt giảm các ĐKKD mới chỉ làm cho giảm được số ĐKKD nhưng không đảm bảo giảm phiền hà cho DN. Bởi một số Bộ chỉ rà soát ĐKKD ở cấp độ trung chứ chưa rà soát đến các ĐKKD cụ thể hay còn gọi là ĐKKD con, cháu, chắt. Một số bộ ngành, thay vì cắt giảm thực sự thì chỉ chỉnh sửa câu chữ và cách diễn đạt, nhiều ĐKKD được nhập lại thành một và được biến tướng dưới tên gọi khác, từ đó tạo ra một số thủ tục mới với quy định thậm chí còn nhiêu khê hơn trước.
Trước thực trạng đó, câu hỏi được đặt ra là phải chăng hiện nay các bộ ngành đang ngần ngại trong việc cắt bỏ những ĐKKD vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý DN của bộ ngành mình? Hay là do chính các cơ quan cấp phép lại chủ trì việc cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm, nên họ không có động lực mạnh mẽ, không quyết liệt để làm? Hay các bộ ngành này vẫn cố gắng giữ cơ chế xin cho để nhũng nhiễu DN?
Một số bộ ngành thực hiện rất tốt việc cắt giảm thủ tục hành DN
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho rằng, đây là những lý do góp phần để xảy ra hiện tượng ì ạch trên. Nhiều cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng cảm thấy không an toàn nếu cắt bỏ nhiều quy định được cho là biện pháp, công cụ giúp họ quản lý DN. Cũng theo bà Thủy, việc có ý kiến cho rằng các bộ ngành không có động lực cắt giảm các ĐKKD, cố gắng giữ cơ chế xin cho, thì trong câu chuyện này có hai vấn đề là “không muốn” và “không biết”. Đối với “không muốn”, đây là vấn đề lợi ích, việc người ta ta phải bỏ đi một lợi ích xát sườn thì không phải là điều dễ. Với “không biết”, có một hiện tượng là cán bộ công chức cho tới gần đây vẫn đặt câu hỏi thế nào là ĐKKD, việc không có nhận định hay định nghĩa thống nhất về việc rà soát cắt giảm nên mỗi Bộ làm một kiểu, khiến nó trở thành một tình trạng tương đối lúng túng với nhiều bên.
Phải làm gì để thúc đẩy việc cắt giảm ĐKKD và kiểm tra chuyên ngành?
Có thể thấy, hệ lụy lớn nhất của sự chậm chạp này tới hoạt động kinh doanh của DN và môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế của Việt Nam đó chính là chi phí cơ hội của DN và hơn thế nữa nó là cơ hội của cả nền kinh tế sẽ bị bỏ lỡ.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, bước tiến của Chính phủ điện tử với mục tiêu chung là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của Chính phủ, mang lại thuận lợi cho người dân, tăng cường sự công khai minh bạch, giảm chi tiêu Chính phủ là rất đúng đắn. Tuy nhiên với bước đi này thì trong khoảng từ 3-5 năm nữa mới thấy được hiệu quả. Vì vậy, trước mắt có 2 việc cần phải làm để thúc đẩy việc cắt giảm các ĐKKD đó là cơ chế phản ứng nhanh, thông tin nhanh; tiếp đến là nâng cao chất lượng giáo dục công chức. Bên cạnh đó, phía các DN cũng cần chủ động đề xuất, cung cấp các thông tin thực tiễn cho phía các cơ quan xây dựng chính sách để sao cho chính sách ban hành ra phải phù hợp, sát với thực tiễn và đem lại lợi ích cho DN.
Cũng trong kỳ họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã tiếp tục chỉ đạo: "Các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ. Tình trạng nói hay làm dở, làm chậm cần chấm dứt, không để tình trạng chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân bức xúc. Đề nghị tập trung bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài…". Hy vọng rằng, với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, những sợi dây cơ chế vô hình đang làm chậm tốc độ phát triển của DN sẽ nhanh chóng được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất./.
Quỳnh Anh