Thứ Hai, 25/11/2024 12:07:13 GMT+7
Lượt xem: 2595

Tin đăng lúc 03-02-2018

Cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Đây là một trong những mục tiêu hành động của các bộ, ngành đã, đang và sẽ triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK).
Cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, năm 2017, nhìn chung các bộ, ngành đã nắm rõ yêu cầu về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành và có hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ này.

 

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xóa bỏ 420/720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan, đạt tỷ lệ 58,3%. Để giảm tần suất kiểm tra, Bộ Công Thương đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN, áp dụng quản lý rủi ro. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BCT hủy bỏ kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may; Thông tư số 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 về dán nhãn năng lượng, tạo thuận lợi hơn cho DN; Thông tư 18/2017/TT-BCT thay đổi phương thức quản lý chất lượng thép nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất (thay thế các Nghị định 108/2008/NĐ-CP và 26/2011/NĐ-CP). 

 

Cùng với Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác cũng ban hành nhiều văn bản nhằm cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết cho hoạt động XNK. Đơn cử, Thông tư liên tịch số 110/2016/TTLT-BTC-BKHCN của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã cho phép sử dụng bản fax hoặc file hình ảnh thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông quan.

 

Bộ Khoa học & Công nghệ (kh&CN) ban hành 02 Thông tư (số 02 và 07/2017/TT-BKHCN) làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm, hậu kiểm để tạo khung pháp lý chung cho các bộ, ngành thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chủ yếu được chuyển sang giai đoạn sau thông quan; chỉ còn nhóm sản phẩm xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) thực hiện trước thông quan.

 

Dù có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành vẫn còn khá chồng chéo. Tại cuộc họp lần thứ 3 của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - nhận định, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa XNK. Hiện tượng chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến…

 

Về phía DN, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 25% DN cho biết thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% bình thường và chỉ 8% cho biết dễ, rất dễ.

 

Năm 2018, các bộ, ngành được yêu cầu phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 - 35% trên tổng số các lô hàng XNK như hiện nay xuống còn 15%, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, song vẫn phải bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vào ngày 2/2, Nghị định về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK dự kiến sẽ được Thủ tướng ký ban hành, giúp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK và tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho DN. 

 

Trong chương trình làm việc của Tổ công tác Chính phủ với các bộ, ngành năm 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, mỗi năm, các DN tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang