Hà Nội được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những sản phẩm đó không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội khởi động, nhiều chủ thể, địa phương đã đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp thành phố.
Cùng với đó, việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên đã giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng; qua đó sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.
Là một trong những chủ thể tham gia các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Trung Dậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Chu Quyến chia sẻ, thành lập từ năm 2017 và tham gia OCOP từ năm 2020, Chu Quyến đã có 4 loại rau củ đạt chứng nhận 3 sao gồm mướp, mướp đắng, bầu, mồng tơi và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Nhờ vào việc tham gia OCOP, các sản phẩm của HTX có cơ hội quảng bá đến với nhiều người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trung Dậu chia sẻ thêm: “Từ năm 2019, rau sạch của chúng tôi bán tương đối ít, cho đến khi tham gia chương trình quảng bá OCOP thì kết nối được nhiều đối tác hơn. Chính vì thế mà chúng tôi có đầu ra để kết nối với các thương hiệu mới, các siêu thị lớn nhằm tiêu thụ sản phẩm trong khu vực Ba Vì nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Hiện HTX Chu Quyến có doanh thu đạt khoảng 100 triệu từ việc kinh doanh rau sạch mỗi tháng. Điều này cho thấy những hiệu ứng tích cực từ OCOP”.
Tương tự như HTX nông nghiệp Chu Quyến, hộ kinh doanh của anh Phan Ngọc Tú tham gia OCOP từ năm 2020 với các sản phẩm giò đà điểu, thịt đà điểu, gà Ba Vì, đã đem lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng mỗi tháng. Anh Tú hiện có 3 cửa hàng bán lẻ để phục vụ khách du lịch, mỗi ngày bán được 30 kg thịt, mang lại doanh thu gần 8 triệu đồng. Anh Phan Ngọc Tú cho biết, tham gia OCOP giúp anh kết nối thêm được nhiều đối tác tiêu thụ sản phẩm và có cơ hội quảng bá đặc sản của địa phương.
Hay như sản phẩm bưởi đỏ của thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã được TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ông Lương Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX bưởi đỏ Đông Cao cho biết, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khẳng định được chất lượng của bưởi đỏ Đông Cao, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng. Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bưởi đỏ của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Chọn mua những túi củ cải trắng tại điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh, chị Đỗ Thị Nguyệt chia sẻ: “Nhiều khi được nghe đến các sản phẩm nông sản có chứng nhận OCOP nhưng việc mua ở đâu và cụ thể cơ sở nào thì tôi lại không rõ. Nay nhờ các hoạt động giới thiệu điểm bán như thế này, tôi dễ dàng tìm đến tham quan và mua hàng”. Chị Nguyệt hy vọng việc giới thiệu các điểm bán sản phẩm OCOP sẽ được quan tâm và nhân rộng hơn nữa để đông đảo người dân trên địa bàn biết và sử dụng các sản phẩm OCOP đạt chất lượng tốt.
Tạo sức lan tỏa rộng hơn cho các sản phẩm OCOP
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.054 sản phẩm của 255 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.
Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
“Các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP này sẽ là điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, để chúng ta hội tụ sự liên kết, sự lan tỏa, đồng thời thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Hà nội và các tỉnh, thành phố”, bà Lan nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lan, với những điểm bán hàng OCOP, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn với những sản phẩm được kiểm duyệt, có thương hiệu, đặc sản vùng miền của từng địa phương.
Đến nay, Thành phố đã xây dựng được 42 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Dự kiến, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ khai trương thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã.
“Sở Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô tại các điểm này”, bà Lan khẳng định.
Qua đó, mong muốn các quận, huyện, thị xã tiếp tục tích cực vào cuộc, thông tin, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có các địa điểm kinh doanh để khai thác, đưa sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào quảng bá, tiêu thụ để mạng lưới điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của Thành phố ngày càng được mở rộng và phát triển.
Về phía các địa phương, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, chương trình OCOP thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Thông qua chương trình, người sản xuất nhận thức được tiềm năng của mình, học hỏi được các yêu cầu bắt buộc về sản xuất an toàn, bền vững, từ đó phát huy được lợi thế, nâng cao chất lượng, giá trị và mẫu mã sản phẩm.
Theo Chinhphu