Theo báo cáo từ Bộ Y tế năm 2015, chỉ có 7,61 bác sĩ/10.000 dân, bác sĩ giỏi thường tập trung tại các thành phố lớn nên người dân, đặc biệt ở nông thôn, gặp khó khăn khi thăm khám trực tiếp với bác sĩ. Việc chăm sóc sức khỏe hiện có xu hướng khai thác tiện ích công nghệ thông tin nhằm cung cấp thông tin sức khỏe và tư vấn phòng, khám chữa bệnh trực tuyến cho người dân.
Ứng dụng để phòng bệnh
Nhiều nhà khởi nghiệp đã tham gia đầu tư phát triển các ứng dụng về chăm sóc sức khỏe trên các thiết bị di động giúp kết nối người bệnh với bác sĩ tại các phòng khám, bệnh viện. Có thể kể đến ứng dụng Easy Care, giải pháp đặt lịch hẹn khám bệnh trực tuyến trên di động, giúp tiết kiệm thời gian làm thủ tục tại các phòng khám. Qua ứng dụng, người dùng sẽ biết lịch khám bệnh trong ngày để đặt lịch hẹn trực tuyến với bác sĩ mà mình muốn gặp. Hay ứng dụng Sokhambenh.vn giúp người dùng tạo hồ sơ sức khỏe cá nhân, lưu trữ những thông tin trong quá trình khám như hồ sơ bệnh án, hình ảnh về triệu chứng bệnh, đơn thuốc… Ứng dụng này giúp người dùng kết nối với các phòng khám tư để đặt lịch hẹn khám ở tất cả các chuyên khoa từ thiết bị di động, làm giảm thiểu tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ đợi tại các phòng khám. eDoctor là dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ động đầu tiên tại Việt Nam: tư vấn chăm sóc sức khỏe qua điện thoại với sự tham gia trực tiếp của các y, bác sĩ; thư viện thông tin sức khỏe; lập hồ sơ sức khỏe của người dùng trên nền web. Tuy không thay thế hoàn toàn việc khám bệnh nhưng ứng dụng này giúp người bệnh nắm được tình trạng sức khỏe của mình và các hướng giải quyết cụ thể thay vì phải đến trực tiếp các phòng khám, bệnh viện.
Các nhà mạng cũng tung ra ứng dụng di động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. V - Care của VinaPhone là cổng thông tin chuyên sâu về lĩnh vực y tế, giúp các thuê bao di động cập nhật thông tin mới nhất về y tế, cảnh báo dịch bệnh, sơ cứu - cấp cứu, chế độ dinh dưỡng, cách phòng tránh các loại bệnh, nhắc lịch tiêm chủng dự phòng… MobiFone cũng tung ra ứng dụng di động Sức khỏe 1, một dịch vụ tư vấn sức khỏe chuyên sâu, cung cấp các bản tin y tế, bài thuốc hay, tư vấn điều trị các loại bệnh, sức khỏe giới tính, chế độ dinh dưỡng hằng ngày, phương thức làm đẹp... Dịch vụ này giúp người dùng đọc tin tức, xem hình ảnh, clip, tư vấn bác sĩ, theo dõi tình trạng sức khỏe qua các tiện ích trên thiết bị di động.
Ông Vũ Thanh Long, đồng sáng lập của công ty eDoctor, cho biết: “Ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên di động giúp người dân phòng bệnh hiệu quả, theo dõi sức khỏe hàng ngày và sớm phát hiện những bất thường từ cơ thể. Các bác sĩ có thể cảnh báo các dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh để mọi người đến bệnh viện điều trị kịp thời”.
Thu hút nhiều nhà khởi nghiệp
Các nhà nghiên cứu dự đoán ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến là một xu thế mới cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà khởi nghiệp trong nước đã triển khai rầm rộ các dự án chăm sóc sức khỏe trên nền tảng di động. Ưu điểm của hình thức này là không cần đầu tư vốn và quản lý dễ dàng hơn việc mở phòng khám, bệnh viện.
Ông Trần Viết Quân, đại diện truyền thông của eDoctor, dù vậy, lại nói: “Lượng người dùng eDoctor tăng rất nhanh sau vài tháng ra mắt song khó khăn là lượng truy vấn của người dùng rất lớn nên chúng tôi phải tăng lượng bác sĩ giải đáp, từ đó tăng chi phí của dự án. Do dịch vụ hoàn toàn miễn phí nhưng chúng tôi vẫn phải thù lao cho bác sĩ nên về lâu dài, cân đối chi phí vẫn là bài toán khó cho các nhà đầu tư”.
Theo các chuyên gia để các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thu hút người dùng cũng như có thể tồn tại và phát triển tốt thì các các ứng dụng này cần được tối ưu hóa, dễ truy cập, tăng chất lượng tư vấn. Các thông tin về giá cả thuốc, địa chỉ bệnh viện uy tín cũng cần phải chính xác, tạo được lòng tin của người sử dụng. Các dịch vụ cũng cần tạo nét riêng cho sản phẩm của mình để thu hút người dùng”.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM (HCA), cho biết: “Để thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế, chúng ta cần thay đổi nhận thức về phương thức khám chữa bệnh, cần dựa vào tiện ích công nghệ để cải thiện tình trạng quá tải hiện nay tại các bệnh viện, phòng khám. Cần có các trao đổi thảo luận của cơ quan chủ quản y tế, các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp công nghệ thông tin để tạo hành lang pháp lý nhằm ứng dụng hiệu quả tiện ích công nghệ trong chăm sóc sức khỏe”.
Doanh thu ngày càng tăng
Theo số liệu mới công bố gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Flurry, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên các thiết bị di động đã tăng tới 62%. Thị trường chăm sóc sức khỏe trực tuyến trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 1,95 tỉ USD (năm 2012) lên 49 tỉ USD (năm 2020). Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường đang tăng trưởng nhanh nhất, có thể đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm tới 49,1% từ năm 2014-2020.
Nguồn Nld