Tuy nhiên, với các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý thì vẫn chưa đảm đảm an toàn. Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng (NTD) không nên sử dụng các loại hải sản có “xuất xứ” từ tầng đáy vùng 20 hải lý thuộc 4 tỉnh miền Trung nói trên. Phải công nhận, thông tin của Bộ Y tế là rất kịp thời và minh bạch, song vấn đề đặt ra là NTD biết đâu là hải sản tầng đáy thuộc vùng 20 hải lý để tránh, hải sản tầng nông để mua?
Từ thông báo kết quả kiểm nghiệm…
Hơn 5 tháng sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, ngày 20.9, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng ngồi lại và đưa ra kết luận về ảnh hưởng môi trường đến các loại hải sản ở 4 tỉnh miền Trung.
Theo đó, tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh nêu trên đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết thêm đã phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản miền Trung có phenol. Cụ thể, gồm ghẹ, tôm, bạch tuộc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy. “Căn cứ vào kết quả trên, người dân không sử dụng các loại hải sản trên ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý thuộc 4 tỉnh miền Trung làm thực phẩm”- Bộ Y tế khuyến cáo.
Nói về quá trình kiểm nghiệm để đưa ra kết luận trên, ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ đã triển khai lấy 1.040 mẫu hải sản hằng ngày ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung. Các mẫu được kiểm nghiệm chỉ tiêu cyanuy, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt. Song song với việc lấy mẫu tại 4 tỉnh, Bộ Y tế cũng tiến hành lấy 300 mẫu hải sản tại: Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu - là các tỉnh, thành phố không chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường để làm nhóm chứng, so sánh với hải sản miền Trung.
“Suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới từ Tổng hành dinh tại Geneva - Thụy Sĩ, từ Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương tại Manila (Philippines) và các chuyên gia về an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm nghiệm của Nhật Bản, Canada. Các mẫu được gửi đi kiểm chứng tại các Phòng kiểm nghiệm của trường Đại học Osaka - Nhật Bản và Trung tâm các Giải pháp của Singapore. Kết quả kiểm chứng tại các phòng kiểm nghiệm nước ngoài cho thấy sự đồng nhất về kết quả kiểm nghiệm hải sản với 2 Viện của Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
… đến biết đâu là nông, đâu là sâu?
Kết luận đã có, song người dân không khỏi lo lắng khi hàng ngày, hàng giờ tại nhiều chợ vẫn công khai bày bán những sản phẩm hải sản như tôm, cá, mực… mà không biết đâu là hải sản được đánh bắt tại các vùng biển an toàn, đâu là hải sản có xuất xứ từ 4 tỉnh miền Trung và đâu là hải sản thuộc diện Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng.
Bác Kiều Thị Ninh (63 tuổi, quận Hà Đông - Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về sự cố biển miền Trung, gia đình tôi đã hạn chế ăn hải sản bán ngoài chợ, còn nếu có ăn thì gia đình sẽ mua tại những địa chỉ tin cậy để đảm bảo an toàn hoặc nhờ người quen từ Thanh Hóa gửi ra”. Cũng với tâm trạng trên, bác Ngô Minh Hoàn (68 tuổi, phố Bùi Xương Trạch - quận Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ, là người dân bình thường rất khó phân biệt được hải sản nào thuộc tầng nông hay tầng sâu và cá cách bao nhiêu hải lý để biết an toàn hay không. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, theo bác Hoàn, gia đình sẽ hạn chế ăn hải sản hoặc chủ yếu ăn cá nước ngọt. “Hải sản mà các gia đình dùng chủ yếu là tôm và cá. Mà các loại này đều nằm trong diện khuyến cáo không nên sử dụng, nên người dân rất hoang mang. Ra chợ định mua mấy lạng tôm về nấu cháo cho cả nhà, nhưng lại sợ không an toàn, nên thôi”- bác Hoàn chia sẻ.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của bác Ninh và bác Hoàn, chị Lê Thị Hồng Nhung (33 tuổi, thị xã Sơn Tây - Hà Nội) cho rằng, cách tẩy chay hải sản sẽ là không công bằng với ngư dân miền Trung. Bởi những sản phẩm là hải sản đang được bày bán ở chợ thì không thể đánh đồng tất cả đều là những hải sản có chứa phenol nằm trong giới hạn không cho phép, hay những sản phẩm đó được đánh bắt nằm ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý. “Theo như Bộ Y tế thì chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi đã được xét nghiệm an toàn. Đối với các lô không an toàn phải buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định. Vì vậy, gia đình chị vẫn ăn hải sản bình thường” - chị Nhung cho biết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, một số tiểu thương cũng tỏ ra lo ngại, khi hải sản của họ có nguồn gốc xuất xứ không phải ở vùng khuyến cáo cũng bị ảnh hưởng lây.
Lời khuyên của cơ quan chuyên ngành
Để giúp NTD có thể nhận biết loại hải sản nào là an toàn, loại nào không; loại nào đánh bắt ở tầng nông, loại nào đánh bắt ở tầng sâu, phóng viên đã liện hệ với TS. Lê Văn Giang - Cục phó Cục ATTP.
Ông Giang cho biết, người dân không nên quá lo lắng với những thông tin trên. Vì theo như Bộ Y tế đã công bố thì phần lớn các sản phẩm hải sản miềm Trung là an toàn. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm hải sản hiện được bày bán ngoài chợ, NTD cần phải xác định được nguồn gốc thực phẩm trước khi mua. Bởi không chỉ với hải sản mà bất kỳ loại thực phẩm nào khi sử dụng mà không rõ nguồn gốc, không qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng thì đều không an toàn.
“Rất khó để trả lời câu hỏi về việc người dân đã “trót” sử dụng sản phẩm ở những vùng không an toàn trước khi công bố. Bởi, khi chưa có kết luận rõ ràng thì không thể khẳng định được những hải sản người dân đã sử dụng có an toàn hay không. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định đó là, dù sản phẩm đó được khai thác ở vùng nào thì khi đưa ra thị trường đều được kiểm nghiệm của Bộ Y tế. Vì vậy, nếu những sản phẩm khai thác tại vùng không an toàn, nhưng khi kết quả kiểm nghiệm là an toàn thì vẫn không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người dân” – ông Giang lý giải.
Cũng theo ông Giang, để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế cũng đề nghị: Ủy ban nhân dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện theo Công văn số 122/BYT-ATTP ngày 26.8.2016 của Bộ Y tế: Chỉ đạo Sở NNPTNT, Sở Công Thương (đơn vị được giao quản lý kho hàng đông lạnh) phân loại hải sản theo từng lô, Sở Y tế chỉ đạo lấy mẫu theo từng lô và trả kết quả cho đơn vị quản lý được Ủy ban nhân dân giao nhiệm vụ. Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi đã được xét nghiệm an toàn. Với các lô không an toàn, phải buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân về các loại hải sản chưa đảm bảo an toàn và chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc khai thác, sử dụng hải sản an toàn theo đúng hướng dẫn của các Bộ. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để tiến hành giám sát, xét nghiệm.
Song, điều mà người dân mong muốn nhất làm thế nào phân biệt được hải sản vùng nông và hải sản vùng đáy phạm vi 20 hải lý ở các tỉnh miền Trung, thì vẫn chưa có câu trả lời.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để tiến hành giám sát, xét nghiệm.
|
Nguồn: Lao động Thủ đô