Theo phân ngành cấp 2, các ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng cao gồm: cấu kiện kim loại tăng 68%; dụng cụ thể thao, đồ chơi trẻ em tăng gần 45%; vật liệu xây dựng tăng 24,3%; sắt thép tăng 24,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su tăng 23,1%; thiết bị điện tăng 23,1%; trang phục tăng 11,1%...
Bên cạnh những ngành tăng trưởng cộng, 4 tháng đầu năm cũng là khoảng thời gian khó khăn với một số ngành, nổi bật như dệt giảm 26,2%; giấy bìa giảm 25,7%; giày dép giảm 16,7%; sản xuất bộ phận, phụ tùng phụ trợ xe ô tô giảm 7,4%; sản xuất dược giảm 5,7%. Nguyên nhân được cho là các ngành này gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ hoặc nguồn nguyên liệu đầu vào.
Những số liệu về hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy những tín hiệu lạc quan khi lũy kế 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 450 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nổi bật là cao su thành phẩm với mức tăng 102,1% so với cùng kỳ, đạt 14,4 triệu USD; sau đó là động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử tăng 15,6%, ước đạt 148 triệu USD; hàng dệt may tăng 14,8%, ước đạt 120 triệu USD; một số ngành khác cũng tăng trưởng khá như thủ công mỹ nghệ và gỗ thủ công, thủy sản, đồ chơi trẻ em….
Thị trường Đà Nẵng 4 tháng đầu năm tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Mặc dù thị trường thịt heo hơi của cả nước biến động, gặp nhiều khó khăn đầu ra do thương lái Trung Quốc ngừng nhập, tuy nhiên, tại TP. Đà Nẵng do hộ chăn nuôi heo chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung ở huyện Hòa Vang, trong khi thị trường tiêu thụ là toàn TP. Đà Nẵng, nên khâu đầu ra cũng không có nhiều biến động. Dù vậy, theo hướng giảm chung của cả nước, giá thịt heo thành phẩm tại các chợ ghi nhận giảm nhẹ từ 15.000 - 25.000 đồng/kg xuống còn 75.000 - 90.000 đồng/kg tùy theo loại. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trong dịp diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017; kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố. Kết quả, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 3.062 vụ, xử lý 2.654 vụ vi phạm, tổng thu xử phạt gần 7 tỷ đồng.
Ngoài những kết quả nổi bật về công nghiệp và thương mại, thị trường dịch vụ tại Đà Nẵng cũng không kém phần sôi động. Nổi bật là sự tích cực của hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia cuộc thi “Thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ APEC 2017”. Ban Tổ chức cho biết đã nhận được hơn 150 sản phẩm lưu niệm các loại và sẽ công bố giải vào cuối tháng 5.
Ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, hiện tại Đà Nẵng đang diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế 2017 dự kiến thu hút khoảng 2 triệu lượt khách du lịch; quan trọng hơn, tháng 11 tới đây tại Đà Nẵng sẽ diễn ra tuần lễ cấp cao APEC. Đây là những sự kiện đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và quảng bá hình ảnh của thành phố, vì vậy, các hoạt động của ngành Công Thương cũng hướng đến phục vụ tốt nhất các sự kiện này. Cụ thể, cuối tháng 5/2017 sẽ tổ chức lễ công bố, trao giải và kết nối cung cầu sản phẩm lưu niệm phục vụ APEC 2017; hoàn thiện đề án kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường đặc biệt đối với các dịch vụ phục vụ DIFF và tuần lễ cấp cao APEC. Song song với đó là thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên của ngành như tổ chức hội nghị kết nối cung cầu năm 2017 khu vực miền Trung Tây Nguyên; kiểm tra và xây dựng các chợ đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; kịp thời đối thoại và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương; tổ chức ký kết hợp tác với tỉnh Quảng Nam về phát triển công nghiệp phụ trợ…
Nguồn Báo Công Thương