Theo báo cáo mới nhất của Nikkei, chỉ số PMI trong tháng 3/2017 của Việt Nam là 54,6, vẫn dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua hàng loạt các nước như Philippines (53,8), Myanmar (53,1), Indonesia (50,5), Singapore (50,4), Thái Lan (50,2), Malaysia (49,5).
Chỉ số PMI bình quân của Việt Nam từ năm 2012 đến tháng 3 năm nay là 51,12 và đạt đỉnh 54,8 vào tháng 5 năm 2015. Chỉ số PMI của Việt Nam ghi nhận mức thấp nhất (43,60) vào tháng 6 năm 2012. Được biết, nếu PMI của mỗi quốc gia trên 50 cho thấy sự tăng trưởng của một nền kinh tế, trong khi dưới 50 cho thấy điều ngược lại.
Nikkei nhận xét lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã kết thúc quý I/2017 với một kết quả tích cực. Sản lượng ngành sản xuất tăng mạnh hơn trong tháng 3/2017 khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. Khối lượng công việc tăng đã làm hoạt động mua hàng tăng đáng kể và việc làm đã tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2016. Bên cạnh đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn và trở thành mức tăng nhanh nhất trong gần 6 năm giữa bối cảnh giá cả nguyên vật liệu tăng.
Báo cáo của Nikkei cũng cho biết, các nhà sản xuất vẫn rất tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, với gần 63% số thành viên nhóm khảo sát dự báo tăng. Những dự báo số lượng đơn đặt hàng mới tăng, cùng với các kế hoạch mở rộng kinh doanh, là nhân tố dẫn đến triển vọng tích cực.
Đánh giá về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát cho rằng, dữ liệu PMI tích cực của tháng 3/2017 đã khép lại quý tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi khảo sát bắt đầu vào đầu năm 2011.
Nguồn Doanhnghiepvn