Chiếu xạ 30 tấn vải xuất khẩu
Tại hội nghị, ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 1 (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, chuẩn bị cho việc xuất khẩu quả vải sang Australia năm 2016, trung tâm đã kiểm tra và cấp 31 mã vùng trồng quả vải cho một số trang trại tại Bắc Giang và Hải Dương, hướng dẫn bà con canh tác theo chuẩn VietGAP để bảo đảm chất lượng quả. Đặc biệt, ngay từ đầu vụ vải, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp Australia xin cấp phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ngay khi nhận được giấy phép (ngày 20/6/2016), Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo miễn phí kiểm dịch cho doanh nghiệp (DN) đến chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Quang Thiệu - Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội - cho hay, năm 2016 là năm đầu tiên vải thiều ở phía Bắc được chiếu xạ ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, giúp DN xuất khẩu rút ngắn và tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển thay vì phải vận chuyển vào chiếu xạ tại phía Nam. Kết quả, vụ vải năm 2016, đã có 30 tấn vải được chiếu xạ tại trung tâm để xuất khẩu sang Úc với chất lượng đảm bảo. Tuy số lượng vải chiếu xạ xuất khẩu tại đây chưa lớn do phía Australia đồng ý cấp phép muộn, nhưng điều này đang mở ra cánh cửa mới để chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu vải nhiều hơn sang Australia và các thị trường khó tính khác vào những năm tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hào Quang - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, việc chiếu xạ vải xuất khẩu thành công tại miền Bắc đã bước đầu cho thấy hiệu quả của việc đưa ứng dụng công nghệ vào đời sống, giúp cho bà con nông dân, DN có thêm lựa chọn tiêu thụ hàng hóa với giá trị tăng cao. Với kinh nghiệm thu được trong năm nay, việc xử lý chiếu xạ kiểm dịch quả vải sẽ được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn trong năm 2017 và các năm tiếp theo để phát triển thị trường một cách bền vững.
Cần ổn định vùng nguyên liệu
Ông Đặng Quang Thiệu cho biết, đã mời các chuyên gia Mỹ tới thăm và đánh giá công nghệ chiếu xạ của trung tâm với mong muốn Chính phủ nước này công nhận cho phép vải chiếu xạ từ trung tâm có thể xuất sang thị trường Mỹ. Mong muốn của trung tâm là năm 2017 sẽ có thêm nhiều DN xuất khẩu với sản lượng nhiều hơn nữa để phát huy tối đa công suất chiếu xạ (30 tấn/ngày).
Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam - ông Đàm Quang Thắng, cho hay, qua xuất khẩu và làm việc với các DN Australia, họ đánh giá rất cao chất lượng vải Việt Nam và đã có 2 DN trực tiếp sang Việt Nam đặt vấn đề làm đối tác tiêu thụ. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc xuất khẩu, chúng ta cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng vải phải đồng đều. “Trung bình chúng tôi mua vào 1 tấn nguyên liệu, sau khi trừ cuống và các loại quả bé, quả hỏng, thì số lượng đạt yêu cầu xuất khẩu chỉ còn khoảng 500 - 600 kg”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để thực hiện tốt việc xuất khẩu năm 2017, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học để hạn chế việc sử dụng các hóa chất bị cấm. Mặt khác, cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì, giám sát các vùng nguyên liệu, phát hiện kịp thời và loại bỏ các vùng trồng không tuân thủ quy định. Đồng thời, cấp thêm các mã vùng trồng mới nếu đạt yêu cầu nhằm tăng khả năng xuất khẩu quả vải sang các thị trường.
Ông Đặng Quang Thiệu - Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng hiệu quả xử lý chiếu xạ kiểm dịch, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử