Là một đặc sản nổi tiếng thơm ngon của tỉnh Hải Dương đã có lịch sử hơn 200 năm, vải thiều Thanh Hà không chỉ riêng người dân Hà Nội mà người tiêu dùng cả nước đều muốn được ít nhất một lần thưởng thức để cảm nhận được sự thơm ngon đặc biệt của đặc sản nổi tiếng này. Điều làm nên sự khác biệt của vải thiều Thanh Hà phần lớn do đặc thù điều kiện tự nhiên. Quả vải thiều Thanh Hà khi chín có sắc vỏ đỏ tươi, gai vỏ giãn đều, khi bóc lớp vỏ mỏng ra thấy lớp cùi dày; mọng nước; có vị ngọt đậm; giòn; không chua, không chát và đặc biệt có mùi rất thơm, hạt vải nhỏ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cùi vải thiều Thanh Hà có hàm lượng đường tổng số và đường khử cao, hàm lượng a-xít tổng hợp thấp nên khi ăn có vị ngọt thanh mát. Đây là điểm khác biệt về chất lượng để phân biệt vải thiều Thanh Hà với các loại vải khác.
Các đại biểu tham dự sự kiện
Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đang vào chính vụ và sẽ kéo dài đến khoảng giữa tháng 7. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể mua được những sản phẩm vải thiều Thanh Hà “chính hiệu” được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để thưởng thức.
Với mong muốn đưa đặc sản nổi tiếng này đến nhanh hơn, gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô, đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hapro phối hợp với Sở Công Thương Hải Dương, triển khai các hoạt động quảng bá thương hiệu, truyền thông rộng rãi và tổ chức “Tuần lễ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương tại Hà Nội”.
Vải thiều Thanh Hà đều được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ
Vải thiều Thanh Hà được chứng nhận VietGap
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá rất cao những nỗ lực, vai trò, tinh thần trách nhiệm của Tổng công ty Thương mại Hà Nội vì đã chung tay vào cuộc cùng thành phố Hà Nội và các hệ thống khác để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh. Bà Lan cho rằng, năm 2018, sản lượng vải của Việt Nam nói chung và vải thiều Thanh Hà nói riêng đạt sản lượng rất cao, chính vì vậy, công tác XTTM cần có những bước đi hết sức bài bản để có thể đưa được những sản phẩm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý đến với người dân thủ đô. Mặt khác cũng phải điều tiết giá cả trong nước và xuất khẩu sao cho bà con nông dân không thiệt thòi, sản phẩm không rơi vào tình trạng được mùa rớt giá. Bà Lan cũng hy vọng thông qua các kênh phân phối như Hapro, sẽ ngày càng có nhiều các sản phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng của tỉnh Hải Dương được tiêu thụ tại TP. Hà Nội để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Ông Nguyễn Anh Cương – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương đang giới thiệu về vải thiều Thanh Hà
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, vải thiều Thanh Hà trước kia có đến 80% xuất đi Trung Quốc, nhưng năm nay, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn, hiện tại đã tiêu thụ được trên 40.000 tấn, trong đó 40% xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật... còn lại là tiêu thụ tại thị trường trong nước. Để có được kết quả đó phần nhiều là nhờ sự hợp tác, hỗ trợ của những doanh nghiệp thương mại lớn, có uy tín và kinh nghiệm như Hapro. Ông Cương cho rằng, Hà Nội là một thị trường kỹ tính nhưng rất tiềm năng. Vì vậy, tỉnh sẽ luôn tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Đông đảo người dân Thủ đô đến mua và thưởng thức những quả vải thiều Thanh Hà thơm ngon
Cũng trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương giữa Công ty siêu thị Hà Nội thuộc Hapro, Công ty Ong mật phương Bắc và HTX Dịch vụ NN Xã Hợp Đức.
Sự kiện “Tuần lễ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương tại Hà Nội” sẽ diễn ra từ ngày 16 – 23/6/2018, sản phẩm được phân phối trên toàn hệ thống Hapromart, Haprofood của Hapro và Intimex Home&Food tại Hà Nội để phục vụ người dân.
Như Quỳnh