Thứ Ba, 26/11/2024 22:45:51 GMT+7
Lượt xem: 777

Tin đăng lúc 05-01-2021

Chính phủ đề xuất 11 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội

Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngay ngày đầu tiên của năm mới 2021 về các giải pháp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Văn phòng Chính phủ giới thiệu tại buổi họp báo sáng 4/1/2020, tại Hà Nội.
Chính phủ đề xuất 11 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 cao hơn kế hoạch Quốc hội giao

Theo thông lệ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

 

Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

 

Với phương châm hành động của năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, tại Nghị quyết 01, Chính phủ xác định 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

 

Một là, phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hai là, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước.


Bốn là, xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công.

 

Sáu là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Xác định đây là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Bảy là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Tám là, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Chín là, chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

 

Mười là, tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Mười một là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

 

Đặc biệt, Nghị quyết 01 của Chính phủ lưu ý công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn.

 

“Chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam. Nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thông phân phối thông qua các đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rõ.

 

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Nghị quyết 02 năm nay đề ra thông điệp của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

 

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 20/1/2021 xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 01; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm.

 

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%); GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng từ 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%...

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang