Ông Nguyễn Thanh Trúc- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương - cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký FDI của tỉnh đạt gần 1,966 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ 2016, trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp chiếm 90% tổng vốn đầu tư. Lũy kế đến nay, Bình Dương có gần 3.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 27,735 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, môi trường đầu tư của Bình Dương đã được cải thiện tích cực và ngày càng tốt hơn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài liên tục lựa chọn Bình Dương và đánh giá cao những cố gắng, sự năng động mà tỉnh Bình Dương thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn. Chính quyền tỉnh Bình Dương luôn lắng nghe, giải quyết những khó khăn vướng mắc về chính sách nhằm hỗ trợ DN nhiều hơn.
Phản ánh những khó khăn đang gặp phải, bà Dương Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty Rheem Việt Nam - cho hay, quy định đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài từ năm 2018 cần phải xem xét lại.
Theo bà Dương Thị Ánh Tuyết, người lao động nước ngoài lại làm việc theo nhiệm kỳ. Như vậy, sau khi nghỉ việc, người lao động phải quay trở lại để nhận tiền trợ cấp thôi việc. Liệu khoản tiền ấy có đủ chi trả chi phí vé máy bay cho người lao động qua Việt Nam giải quyết các thủ tục hay không? Đại diện Công ty Liway Way cũng cho hay, với quy định từ ngày 1/1/2018 sẽ phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động có giấy phép làm việc tại Việt Nam. Vậy DN phải hiểu như thế nào và xử lý ra sao?
Trả lời thắc mắc của DN, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bình Dương - cho biết, Luật BHXH có quy định đóng BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ năm 2018. Song đến thời điểm hiện nay chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể. Rất nhiều DN có thắc mắc là giải quyết chế độ bảo hiểm một lần hay đóng BHXH cho người lao động như thế nào? Thực ra, cả cơ quan bảo hiểm và DN đều nóng lòng chờ hướng dẫn. BHXH Bình Dương giải thích thêm, theo quy định của Liên hiệp quốc, trong vòng hai tuần người lao động sẽ quay về nước, cho nên trong thời gian đó sẽ giải quyết hoặc phải có thoả ước giữa người lao động nước ngoài với nước họ cư trú về việc giải quyết chế độ bảo hiểm.
Không chỉ quan tâm đến việc đóng bảo hiểm, hưởng trợ cấp thôi việc cho lao động người nước ngoài, nhiều DN FDI còn chú ý đến công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe người lao động. Bà Dương Thị Ánh Tuyết cho rằng, người lao động nước ngoài chưa thật sự hưởng lợi từ việc đóng bảo hiểm y tế. Nguyên nhân là do các bệnh viện không có phiên dịch do đó cần nghiên cứu lại các khoản đóng góp của lao động nước ngoài tránh trường hợp tận thu còn người lao động không được hưởng thụ.
Trả lời vấn đề này, BHXH Bình Dương cho hay, để tạo thuận lợi nhất cho việc khám, chữa bệnh, các công ty nên có phiên dịch đi theo. Theo BHXH tỉnh Bình Dương, quy định là DN phải đóng bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài nhưng lâu nay Bình Dương chưa bắt buộc và vẫn để DN đóng bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài trên tinh thần tự nguyện.
Ngoài các vướng mắc trên, nhiều DN FDI cũng nêu một số khó khăn gặp phải trong vấn đề ưu đãi thuế thu nhập, đăng ký kinh doanh vận tải, giới hạn số giờ tăng ca…
Trước những thắc mắc của DN FDI trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, các ý kiến đóng góp của nhà đầu tư là cơ sở để địa phương cải thiện môi trường đầu tư. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được tháo gỡ kịp thời và những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, tỉnh sẽ tập hợp, gửi các kiến nghị đến các ban ngành nghiên cứu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.
Nguồn Báo Công Thương