NGC - 13 năm hoàn thành sứ mệnh
Ông Nguyễn Phúc Thịnh - Giám đốc NGC cho biết, bắt đầu từ 0h ngày 1/12/2018, lưới điện cao thế 110 kV từ NGC chính thức được bàn giao về 24 công ty điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc (trừ 3 Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình). Đây cũng là mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc của NGC sau 13 năm quản lý vận hành lưới điện 220/110 kV.
Được thành lập vào tháng 4/2005 với tiền thân là Xí nghiệp Điện cao thế miền Bắc, đến nay NGC đã quản lý vận hành lưới điện lưới điện cao thế với quy mô rất lớn, trải dài trên 27 tỉnh miền Bắc, với tổng tài sản lên tới 12.700 tỷ đồng và hơn 2.700 cán bộ công nhân viên… Hơn 13 năm qua, NGC đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng công ty giao phó, quản lý vận hành lưới điện 220/110kV an toàn, ổn định, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo đời sống người dân các tỉnh miền Bắc.
“Từ năm 2013, thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPC về việc không tuyển dụng thêm lao động, NGC đã thực hiện việc điều chuyển lao động nội bộ, đảm bảo công tác quản lý vận hành lưới điện, nhất là ở những trạm biến áp 110 kV mới đưa vào hoạt động ở các đia phương. Dù gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, nhưng cán bộ công nhân viên công ty luôn đoàn kết, chấp hành việc điều động, chấp nhận việc sống xa gia đình… để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Phúc Thịnh thông tin.
Chia sẻ về quyết định tái cơ cấu NGC, ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNNPC - cho hay, đây là động thái của EVNNPC trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và EVN về việc tái cấu trúc, sắp xếp lại các doanh nghiệp đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đáp ứng lộ trình bán lẻ điện cạnh tranh đến 2020-2022.
Cũng theo ông Thiều Kim Quỳnh, việc bàn giao lưới điện 110 kV từ NGC về các công ty điện lực tỉnh sẽ tạo được sự thống nhất đồng bộ trong quản lý vận hành lưới điện từ cao thế đến trung thế, giảm thiểu thời gian ngừng cấp điện, xử lý sự cố; quy mô quản lý vận hành phù hợp với phân cấp của EVN và tổng công ty.
Đặc biệt, chủ trương này cũng sẽ góp phần tối ưu hóa đầu tư; khắc phục hiện tượng quá tải cục bộ; phù hợp với lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, tự động điều khiển với việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa và hệ thống SCADA/EMS/DMS; góp phần tăng năng suất lao động khối sản xuất kinh doanh điện do giảm lực lượng lao động gián tiếp tại NGC.
Được biết, NGC sẽ chuyển giao nguyên trạng tài sản, vốn, lao động, các trang bị công cụ, dụng cụ phương tiện, hạ tầng CNTT, ranh giới quản lý vận hành, ranh giới đo đếm và công tác quản lý vận hành lưới điện 110 kV của các chi nhánh lưới điện cao thế tỉnh thuộc NGC về các công ty điện lực tỉnh tương ứng... Đồng thời, đảm bảo tất cả người lao động sau khi chuyển đổi sẽ sắp xếp việc làm phù hợp, yên tâm công tác.
“Đường dây 110 kV được ví như là những mạch máu, còn các trạm biến áp là trái tim của lưới điện miền Bắc, có nhiệm vụ đảm bảo sự vận hành ổn định, thông suốt hệ thống lưới điện. Thời gian qua, NGC đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, các công ty điện lực tỉnh cần khẩn trương tiếp nhận, sắp xếp bố trí lao động hợp lý; đồng thời thắt chặt kỷ luật vận hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đảm bảo cho trái tim và hệ thống mạch máu tiếp tục hoạt động an toàn và ổn định”, ông Thiều Kim Quỳnh nhấn mạnh.
Từng bước xóa bỏ tư duy “điện lực là độc quyền”
Sau khi chuyển giao lưới điện cao thế về các công ty điện lực tỉnh, NGC sẽ đổi tên thành Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019 với nhiệm vụ, sứ mệnh mới. Theo đó, công ty sẽ chuyển sang kinh doanh các ngành nghề như: Sửa chữa các công trình điện; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình điện; xây lắp các công trình điện; tư vấn khảo sát, thiết kế; điện mặt trời áp mái; dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điện sau công tơ; dịch vụ sửa chữa điện nóng (hotline)...
Ngoài ra, công ty cũng triển khai nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế tạo các thiết bị điện, các phụ kiện lưới điện thay thế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ tốt nhất, giá cả cạnh tranh...
Lãnh đạo EVNNPC khẳng định, sự ra đời của Công ty dịch vụ không chỉ tạo nên sự bài bản, chuyên nghiệp trong hoạt động của tổng công ty mà quan trọng hơn sẽ mang đến cho khách hàng những dịch vụ điện năng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện và đi đúng xu thế của thị trường điện cạnh canh.
Ông Phan Tử Lượng - Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai, Phó Ban chủ trì sản xuất Công ty Dich vụ điện lực miền Bắc cho biết: Chúng tôi xác định ngay từ đầu, Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc phải hoạt động, quản lý theo mô hình mới, tiên tiến, hiện đại. Dịch vụ phải đúng tính chất dịch vụ, bởi những sản phẩm mà công ty cung cấp sẽ được chính khách hàng sử dụng điện lựa chọn và chấm điểm...
“Công ty Dịch điện lực miền Bắc cũng là một “người con” của EVNNPC. Do đó, tất cả mọi nhiệm vụ mà công ty thực hiện đều hướng tới mục tiêu gốc rễ, sâu xa nhất, đó là cùng với các công ty điện lực nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao chất lượng điện năng, làm hài lòng khách hàng…, từng bước xóa bỏ tư duy “điện lực là độc quyền” trong con mắt của khách hàng”, ông Phan Tử Lượng khẳng định.
Về phía lãnh đạo EVNNPC, ông Thiều Kim Quỳnh khẳng định, tổng công ty sẽ tạo điều kiện, cơ chế tốt nhất để Công ty Dịch vụ Điện miền Bắc có thể đầu tư những công nghệ mới nhất, phát triển những dịch vụ tốt nhất để phục vụ khách hàng. “Trong quý I/2019 sẽ rà soát chính sách để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc không để xảy ra mất an toàn trên lưới 110 kV trong giai đoạn giao thời”, lãnh đạo EVNNPC chỉ đạo.
Nguồn Congthuong.vn