Chị Nguyễn Thị Nhàn có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội, lo lắng, tôi thấy ở ngoài cổng nhiều trường có nhiều quán hàng, bày bán các loại quà, bánh, kẹo, các loại thực phẩm chế biến sẵn,… Nhiều loại bánh kẹo có chữ trung quốc, hàn quốc, màu sắc rất bắt mắt nhưng không thấy có tem phụ, xe chở thức ăn chế biến sẵn rất sơ sài, không che đậy,… Những loại quà bánh này thu hút trẻ nhỏ vào mua, nhất là đầu giờ hoặc sau giờ tan lớp,… Nhìn bọn trẻ hồn nhiên mua, ăn, uống mà tôi thấy lo ngại.
Trao đổi với hiệu trưởng một Trường THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được biết, đối với các trường học có bếp ăn bán trú đều phải tuân thủ các quy định như: Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định pháp luật và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo quy định pháp luật; Bếp ăn, nhà ăn (khu vực ăn uống), căng tin trong trường học bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP; Người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe về điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Thực phẩm đầu vào được ký kết với đơn vị cung cấp uy tín, có sự giám sát của hội phụ huynh, được các cấp các ngành kiểm tra thường xuyên,…
Tuy nhiên, ngoài cổng trường học nhà trường không quản lý. Thông thường, trường giáo dục các con hạn chế sử dụng đồ ăn ngoài cổng trường; Tuyên truyền, khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho các con mua và ăn những loại quà bánh không có nguồn gốc rõ ràng; Nhà trường cũng tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh bên ngoài cổng trường chú ý đảm bảo ATTP vì sức khỏe trẻ nhỏ. Nhưng đối với các xe đẩy thì rất khó khăn. Việc này phụ thuộc nhiều vào chính quyền xã, phường, nhất là lực lượng công an.
Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt, đồ ăn trước cổng trường gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt cổng trường, nguyên nhân xác định thường là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động rất khó kiểm soát. Đơn cử như vụ 263 học sinh Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị ngộ độc sau khi uống sản phẩm Trà mật ong Boncha vị ô long đào được phát miễn phí ngoài cổng trường ngày 30/9/2024.
Xe đẩy bán đồ ăn sẵn ở cổng trường, không che đậy đặt ra nhiều nghị ngại về vấn đề ATTP. Các gia đình nên dạy trẻ hạn chế mua bán và ăn uống thức ăn chế biến sẵn, bánh kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán ngoài cổng trường
Trước thực tế trên, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát ATTP tại khu vực trường học; Phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo ATTP tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học); Phối hợp các cơ quản chức năng tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp thực phẩm; Lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn cho các trường học, ban phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, do người lạ cung cấp.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm trong và xung quanh trường học nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; Thực hiện nghiêm công tác ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm. Về phía nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.
Hiện nay, nhiều trường học đã có những quy định về việc học sinh tới trường không được ra khỏi cổng trường, cũng không được mua đồ ăn vặt và mang vào lớp học. Nhưng bằng cách này hay cách khác của tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, các em vẫn mua được những món đồ ăn vặt bán ở cổng trường. Do vậy, về phía các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh trước cổng trường; Kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm; Kêu gọi người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, đồ chế biến sẵn tại các cổng trường thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Thời gian tới cần có sự can thiệp mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý để đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh. Việc cấm hoàn toàn các xe đẩy bán hàng rong tại khu vực cổng trường có thể là một giải pháp, nhưng cần có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường. Quan trọng hơn, cần tăng cường giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho học sinh, giúp các em nhận thức rõ ràng về những nguy hại tiềm ẩn từ việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ sử dụng trong giờ nghỉ.
Đối với những người bán hàng rong, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; Không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Đức Anh