Thứ Sáu, 22/11/2024 11:48:22 GMT+7
Lượt xem: 3339

Tin đăng lúc 27-12-2016

Chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ

Hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ hiện đang là vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng của con người cũng như môi trường đầu tư, sản xuất, là nguy hại lớn đối với những doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước.
Chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ
Hội thảo chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Luật Sở hữu Trí tuệ đã có, tuy nhiên còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Các văn bản Luật còn nặng tính nguyên tắc chung, chưa đầy đủ, chưa phân biệt rõ ràng giữa biện pháp hình sự và biện pháp hành chính. Điều này dẫn tới tình trạng nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phâm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

         

Thời gian qua, các cơ quan thực thi của Nhà nước đã đồng hành cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp, thực hiện nhiều hoạt động phối hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đã đạt được những kết quả khả quan. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính trên 68 tỷ đồng, tổng giá trị hàng vi phạm là trên 536 tỷ đồng. Nhìn chung, việc xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm về hoạt động sở hữu trí tuệ còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính của những hạn chế này là chế tài xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong hệ thống pháp luật hiện nay còn mang nặng tính nguyên tắc chung, chưa đầy đủ, chặt chẽ, bên cạnh đó là thiếu sức răn đe.

 

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát về hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thông qua chương trình giám sát, một yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật về sở hữu trí tuệ, với những chế tài đủ mạnh, nhằm hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như hiện nay.

         

Theo ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Tình trạng hàng giả, cùng việc vi phạm sở hữu trí tuệ đang là một vấn nạn hết sức nhức nhối với những diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lý do dẫn đến tình trạng trên, là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc này vẫn chưa hoàn chỉnh, các văn bản còn chồng chéo nhau, cùng với đó là các chế tài chưa đủ mạnh để có thể răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của nhiều địa phương cũng chưa quyết liệt, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, nhất là ở các địa bàn, địa phương biên giới còn chưa tốt”.

         

Luật Sở hữu Trí tuệ là khung pháp lý quan trọng góp phần đẩy mạnh nội lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như của hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn nhiều tồn tại như quy định của một số văn bản còn chung chung, chưa phân biệt rõ ràng giữa biện pháp hình sự và biện pháp hành chính. Theo bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội thì “Luật Sở hữu Trí tuệ đã ban hành cách đây hơn 10 năm, công tác tuyên truyền và thi hành luật của các cơ quan nhà nước đã triển khai rất nhiều hoạt động, nhưng thực tế hiệu quả đem lại vẫn còn khiêm tốn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhất là các hình thức trong việc thực hiện các quyền đó”.

 

         

Họp báo ra mắt tem chống hàng giả

 

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ là đặc biệt quan trọng, tuy nhiên đội ngũ chuyên trách chống vi phạm sở hữu trí tuệ còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng đấu tranh, phòng chống tội phạm về hàng giả, hàng nhái và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Việc thực thi quyền về sở hữu trí tuệ tại nước ta được đánh giá là chưa bắt kịp với tình hình thực tế, lo ngại lớn nhất là khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ khiến các tranh chấp về sở hữu trí tuệ bùng nổ. Điều này đòi hỏi phải tăng cường những biện pháp thiết thực, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ, trong đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ là cần thiết. Các quy định cần được chi tiết, rõ ràng, đảm bảo sự phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước. Cải cách hệ thống pháp luật của nước ta về hoạt động sở hữu trí tuệ là điều thiết yếu, một mặt nó sẽ tạo ta môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước, tạo động lực phát triển nội tại. Mặt khác, nó bảo đảm thi hành các cam kết, quy định về sở hữu trí tuệ quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

         

Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ là một cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ. Vì vậy, đây không chỉ là cuộc đấu tranh của các Bộ, ban, ngành liên quan, các cơ quan chức năng mà là cuộc đấu tranh của toàn xã hội. Do đó, cần sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Có như vậy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới dần được đẩy lùi. Những sản phẩm, hàng hóa, sáng chế, phát minh của Việt Nam mới được công nhận và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp triệt để và triển khai chặt chẽ trong xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế, trước những thuận lợi và khó khăn thì sở hữu trí tuệ là mối quan tâm hàng đầu, nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư lành mạnh, phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang