Hà Nội hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa; 24 trung tâm thương mại; 140 siêu thị; 454 chợ; hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và 123 chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm cùng gần 800 cửa hàng trái cây... Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 – 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm từ 8 – 10%. Rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng là rất lớn, trong đó chủ yếu là rác thải bao bì nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần phát sinh trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng thuộc loại khó, hoặc lâu phân hủy.
Trong khi đó, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa của người dân còn hạn chế, nên việc phân loại rác thải nhựa tại các TTTM, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, các hộ gia đình…chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần của người tiêu dùng vẫn diễn ra phổ biến.
Thời gian gần đây, nhận thức được tác hại của các loại rác thải không phân hủy gây hủy hoại môi trường nghiêm trọng, bên cạnh đó còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng thì việc một số hệ thống siêu thị tại Hà Nội như: Co.opMart, Co.opFood, BigC, Lotte... đã sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá giong, lạt tre nứa, túi giấy thay cho túi ni lông; ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa, thay thế bằng các loại ống hút được sản xuất từ tre, cỏ, bột gạo là điều hết sức đáng mừng.
Có thể kể đến một số chương trình để hạn chế phát thải túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần mà Hà Nội đã triển khai như: Ký cam kết với chuỗi các cửa hàng Cafe Highland tại Hà Nội về việc phân loại và thuê tái chế cốc nhựa dùng một lần và ống hút nhựa. Thí điểm mô hình “Không gian xanh – Cacbon thấp” tại một số quận/huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng các sân chơi cho trẻ em với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa, túi nilon, lốp xe và các sản phẩm khác từ chính các hộ gia đình...
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi nilon, một số DN phân phối bán lẻ đã áp dụng chương trình khuyến mãi tặng quà đối với khách hàng mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần như: Làn nhựa, túi vải, túi giấy. Một số cửa hàng cafe, giải khát đã thay thế các sản phẩm nhựa cốc, ống hút, bằng các sản phẩm cốc thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy…. Nhiều khách sạn đặt các thùng rác để phân loại rác thải tại nguồn, phục vụ kinh doanh bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường tại phòng, nhà ăn… Rõ ràng điều đó đã thể hiện ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất đối với cộng đồng, xã hội.
Thời gian tới, để giảm thiểu túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ đến các DN trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng thực hiện cam kết trong công tác chống rác thải nhựa và thực hiện các lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% các TTTM, siêu thị trên địa bàn thành phố không dùng túi nilon khó phân hủy và giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh.
Thái Bình