Chủ động trong công tác quản lý thị trường
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Chỉ thị 30) , Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát, hạn chế không để lưu thông hàng hóa không đảm bảo chất lượng trên thị trường.
Nghiêm túc triển khai nhiệm vụ này, theo chức năng nhiệm vụ được giao, từ năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường; chú trọng ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không; đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu có tiêu dùng cao như đường cát, rượu bia, bánh kẹo, thuốc lá điếu...
Theo đó, ngày 29/11/2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 3972/QĐ-TCQLTT về Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa và kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Ngay sau khi Kế hoạch 3972 được ban hành, tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, những kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Tại nhiều địa bàn tình trạng bày bán công khai và tái phạm vẫn diễn ra, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Do vậy, để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, đẩy lùi hiệu các hành vi vi phạm, ngày 22/3/2021 Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục bán hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888).
Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Kế hoạch được triển khai đồng bộ trên cả 63 tỉnh, thành phố tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm.
Trước đó, ngày 27/4/2022, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đột xuất kiểm tra một cơ sở kinh doanh với 4 kho hàng vi phạm tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Kết quả, lực lượng chức năng đã tạm giữ 27.825 đơn vị hàng hóa để thẩm tra xác minh. Hàng hóa tạm giữ là đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép, đồng hồ, chăn, quần áo... có dấu hiệu vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Gucci, Ferragamo, Burberry, Louis Vuitton, Chanel, Zara... Quá trình thẩm tra xác minh có 36 chủng loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 10 chủng loại hàng hóa nhập lậu, 13 chủng loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, nổi bật nhất và quy mô lớn nhất chưa từng có là vụ việc kiểm tra, thu giữ hàng trăm phương tiện xe điện có dấu hiệu vi phạm tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Cụ thể, đầu tháng 12/2023 qua thu thập thông tin từ website phoxedien.com, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong các ngày từ 4-6/12/2023, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Nghiệp vụ đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra các chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang. Sau 3 ngày kiểm tra, lực lượng tạm giữ trên 200 xe điện, xe máy các loại có dấu hiệu vi phạm để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Song hành cùng “chuyên án” đặc biệt này, ngày 6/12, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thủ đô trong dịp cuối năm, đồng loạt 5 đội Quản lý thị trường trọng điểm của Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội là các đội số 5, 8, 2, 14, 24 đã chia thành 5 tổ công tác kiểm tra, rà soát 4 địa bàn có những vi phạm nổi cộm về hàng giả tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và hai huyện Gia Lâm, Hoài Đức. Trong đợt ra quân này, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ 2.871 sản phẩm hàng hóa là quần áo, giày dép, phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc nổi bật, điển hình được lực lượng Quản lý thị trường cả nước thực hiện triển khai theo Kế hoạch 888. Trong năm 2023, tính từ đầu năm đến ngày 27/10/2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 8.549 vụ việc theo Kế hoạch 888, trong đó xử lý 8.224 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 83,5 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 110 tỷ đồng.
Thương mại điện tử - mặt trận đấu tranh mới
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là trong năm 2023, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online. Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.
Bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Bởi, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Trước thực tế này, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Đề án do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cùng các đơn vị chức năng liên quan xây dựng và trình Chính phủ bán hành góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Mặt khác, bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
Đẩy mạnh truyền thông để bảo vệ người tiêu dùng
Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 30, trong năm 2023 và những năm trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chú trọng đến công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả đạt được hiệu quả cao nhất.
Nổi bật trong công tác truyền thông là từ tháng 11/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã định kỳ thường xuyên mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại địa chỉ 62 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giúp người tiêu dùng phân biệt dấu hiệu hàng thật, hàng giả và tạo mối liên kết chặt chẽ trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, Phòng trưng bày còn thông tin về địa chỉ bán sản phẩm uy tín, chính hãng cũng được cung cấp cho người tiêu dùng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái của một số sản phẩm.
Đặc biệt, để tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như chủ động, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm, Tổng cục đã nhiều lần công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác từ người dân và doanh nghiệp về các hành vi vi phạm. Hiện nay, thông qua đường dây nóng số điện thoại 1900.888.655, Tổng cục đã tiếp nhận hàng trăm ngàn cuộc gọi phản ánh. Nội dung các cuộc gọi chủ yếu về vấn đề vướng mắc trong môi trường thương mại, hàng giả, hàng giả nhãn hiệu trên môi trường mạng; các phản ánh về thị trường xăng dầu có dấu hiệu vi phạm tại các tỉnh, thành phố. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Tổng cục đã chuyển thông tin trực tiếp cho Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành để kịp thời nắm bắt tình hình địa bàn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xác minh, xử lý.
Trong năm 2024, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ xây dựng các chương trình kiểm tra, kiểm soát lớn; tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trong công tác phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, lực lượng Quản lý thị trường cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử. Nếu người dân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa có thể liên hệ các đội quản lý thị trường địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết, bảo đảm quyền lợi của mình.
Theo Congthuong