Nhân sự kiện này, ngày 11/8, tiến sỹ Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến Hiệp định này với báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ Franz Jessen cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU thể hiện tham vọng tự do hóa thị trường ASEAN và cân bằng cán cân thương mại giữa EU đối với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Hiệp định này cũng cho thấy niềm tin chung của Việt Nam và EU trong việc xem thương mại là một trong những lĩnh vực quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và hướng đến phát triển bền vững.
Đánh giá về Hiệp định này, bà Malstrom, Cao ủy Thương mại EU nhận định, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ giúp EU thúc đẩy thương mại với Việt Nam, là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, đồng thời tạo ra một hình mẫu mới, tốt hơn và hiện đại hơn đối với FTA giữa EU và các nước đang phát triển; thiết lập một tiêu chuẩn tốt trong thương mại giữa EU và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU được thực thi sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho doanh nghiệp cả hai bên thông qua việc tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ.
Trao đổi về những giải pháp để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, tiến sỹ Franz Jessen cho rằng Việt Nam cần nâng giá trị gia tăng dòng sản phẩm xuất khẩu để tận dụng tối đa lợi thế ưu đãi về thuế, chuyển dịch chuỗi giá trị các mặt hàng xuất khẩu hơn là chỉ dựa vào số lượng sản phẩm xuất khẩu như thời gian qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải có chiến lược chuẩn bị cho sự chuyển hướng mạnh dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp EU vào Việt Nam để tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) đánh giá cảm quan kinh doanh của các công ty châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam trong quý II năm 2015 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy, niềm tin kinh doanh, triển vọng và kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng nhẹ so với quý trước.
Cụ thể, trong quý II năm 2015, chỉ số BCI đạt mức 77, so với quý trước là 75. Khi được hỏi doanh nghiệp nhận định như thế nào về tổng quan môi trường kinh doanh, 57% trả lời “tốt”, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số phản hồi, tăng đáng kể so với 45% của quý trước.
Lớn thứ hai là các doanh nghiệp phản hồi “trung bình”, chiếm 27% (giảm nhẹ so với 31% quý trước). “xuất sắc,” “không tốt,” “rất xấu” chỉ ở mức một con số, lần lượt là 6%, 8% và 3%.
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp EU được khảo sát tiếp tục nhận định tích cực về triển vọng kinh doanh trong tương lai tại Việt Nam.
Từ năm 2010 đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và EU đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, đạt mức bình quân 15-17%/năm. Đồng thời sự gia tăng đáng kể trong giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam từ EU đạt mức tăng trưởng 5-7%/năm./.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử