Khi hệ thống điện quốc gia bước vào thời kỳ cao điểm của mùa nắng nóng, áp lực vận hành và đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các khu vực dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện… ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, thay vì chỉ đơn thuần tăng cường nhân lực và nguồn lực theo cách truyền thống, ngành điện đang chuyển hướng sang một chiến lược bền vững và hiệu quả hơn, đó chính là chuyển đổi số. Với vai trò là cầu nối giữa hệ thống truyền tải và phân phối, lưới điện 110kV đang ngày càng khẳng định vị thế trung tâm trong tiến trình hiện đại hóa lưới điện quốc gia, đóng vai trò là “trái tim số” của hệ thống điện hiện đại.
Tại Công ty Điện lực Thanh Hóa, công tác chuyển đổi số đã được triển khai bài bản trên toàn hệ thống trạm biến áp (TBA) và đường dây 110kV. Hiện đơn vị đang quản lý 31 TBA 110kV cùng gần 900 km đường dây, trong đó 100% trạm đã vận hành theo cơ chế không người trực, điều khiển và giám sát hoàn toàn từ xa qua hệ thống SCADA, IEDs, camera/cảm biến… Đặc biệt, một trạm biến áp số đã được đưa vào vận hành tại khu vực Bắc thành phố Thanh Hóa, trở thành mô hình tiêu biểu cho trạm kỹ thuật số, nơi dữ liệu được thu thập, xử lý và truyền nhận bằng tín hiệu số, thay thế hoàn toàn hệ thống như trước kia.
Hệ thống mương cáp ngoài sân trạm biến áp 110kV
Điểm nổi bật trong tiến trình số hóa tại Xí nghiệp 110kV, đơn vị trực tiếp quản lý vận hành các TBA và đường dây đó là việc trang cấp và ứng dụng các thiết bị công nghệ cao. Những thiết bị này cho phép lực lượng kỹ thuật kiểm tra trực quan và phân tích nhiệt các thiết bị điện từ xa, bao quát toàn bộ hệ thống từ trạm đến tuyến đường dây, kể cả những khu vực có địa hình hiểm trở hoặc thời tiết bất lợi. Nhờ đó, các nguy cơ tiềm ẩn như điểm phát nóng, tiếp xúc không chặt, hoặc vật thể lạ vi phạm hành lang an toàn lưới điện có thể được phát hiện sớm, đánh giá mức độ rủi ro và xử lý kịp thời. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa sự cố xảy ra mà còn giảm đáng kể áp lực kiểm tra hiện trường, nâng cao độ an toàn cho người lao động.
Bên cạnh việc hiện đại hóa thiết bị, quá trình chuyển đổi số tại đơn vị còn tập trung xây dựng một hệ sinh thái quản lý và vận hành thông minh. Hệ thống phần mềm PMIS cho phép quản lý đồng bộ toàn bộ dữ liệu thiết bị, lịch sử vận hành, sự cố và bảo trì, giúp quản lý toàn diện và ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn. Song song đó, phương pháp bảo trì theo tình trạng thiết bị CBM (Condition-Based Maintenance) đã thay thế dần phương pháp bảo trì định kỳ truyền thống. Phương pháp này dựa trên dữ liệu thực tế như nhiệt độ, dòng điện, mức độ phóng điện hay tuổi thọ thiết bị để đưa ra lịch trình bảo trì phù hợp. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí bảo trì, vừa tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của thiết bị, đặc biệt trong thời điểm phụ tải tăng cao đột biến như mùa hè.
Công nhân Xí nghiệp 110kV của Công ty Điện lực Thanh Hóa giám sát thiết bị trạm trên cao bằng flycam
Không thể không nhắc đến vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát lưới điện hiện đại. AI được tích hợp trong các hệ thống camera giám sát trong, ngoài trạm, flycam... để tự động phân tích hình ảnh, nhận diện các điểm bất thường như vết nứt, rò rỉ dầu, sứ vỡ hoặc hiện tượng phóng điện cục bộ. Kết quả phân tích được đồng bộ ngay về trung tâm điều hành, hỗ trợ lực lượng kỹ thuật xử lý tình huống gần như theo thời gian thực, giảm thiểu tối đa độ trễ trong phản ứng và xử lý sự cố.
Một bước tiến mang tính cách mạng trong quá trình số hóa lưới điện là việc thay thế hoàn toàn hệ thống đấu nối bằng cáp đồng nhị thứ trong các TBA bằng công nghệ Process Bus. Với công nghệ này, dữ liệu được truyền qua vài sợi cáp quang, giúp đơn giản hóa công tác thiết kế, thi công, giảm thiểu trong quá trình vận hành và đặc biệt thuận tiện trong bảo trì, thí nghiệm định kỳ. Quá trình triển khai tủ điều khiển kỹ thuật số tại các TBA đang góp phần nâng cao độ tin cậy và mức độ tự động hóa của toàn hệ thống.
Tủ điều khiển bảo vệ trong trạm biến áp thông thường (bên trái ảnh) và Tủ điều khiển bảo vệ trong trạm biến áp kỹ thuật số (bên phải ảnh)
Hiệu quả rõ rệt của quá trình chuyển đổi số được thể hiện rõ nét trong mùa nắng nóng, khi phụ tải tăng cao đột biến, hệ thống vận hành không chỉ đảm bảo cung ứng điện ổn định mà còn nâng cao khả năng giám sát và phản ứng linh hoạt trước các bất thường. Đơn cử như việc giám sát từ xa, kiểm tra thiết bị bằng camera nhiệt, flycam đã giúp cho đơn vị rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường, hạn chế việc cắt điện diện rộng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Đến nay, chuyển đổi số không còn là câu chuyện của tương lai của ngành điện nói chung và tại Công ty Điện lực Thanh Hóa nói riêng, nó đã, đang chuyển mình mạnh mẽ, hiện hữu trong từng thao tác vận hành, từng dòng dữ liệu truyền về trung tâm điều khiển, từng quyết định đưa ra trong tích tắc và lưới điện 110kV sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong hành trình này. Đằng sau mỗi đổi mới công nghệ là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm điện, những người đã sẵn sàng thích nghi, làm chủ công nghệ và góp phần xây dựng một hệ thống điện hiện đại, an toàn, bền vững, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân.
Đăng Quỳnh – Xí nghiệp 110kV (PC Thanh Hóa)